Xu thế phát triển của ngành chăn nuôi thế giới


Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của thế giới và Việt Nam. Những thập kỷ qua, nhân loại chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của ngành hàng này cả về quy mô, phương thức sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, những thập niên tới, ngành chăn nuôi của thế giới sẽ phát triển theo xu thế nào khi mà các nguồn lực, tài nguyên đất đai ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu?

Xu thế phát triển chăn nuôi của thế giới

Đô thị hóa có tác động đáng kể đến các mô hình tiêu thụ lương thực nói chung và nhu cầu đối với các sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Đô thị hóa thường kéo theo sự giảm diện tích sản xuất và dân số làm nông nghiệp, nhưng sẽ làm gia tăng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đông lạnh và chế biến.

Một trang trại chăn nuôi gà hiện đại

Một trang trại chăn nuôi gà hiện đại

Một nguyên nhân dẫn đến tăng nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi là tăng trưởng thu nhập. Từ năm 2020 đến năm 2050, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trên toàn cầu hàng năm ước tính 2,5%. Khi thu nhập tăng, thì chi tiêu cho các sản phẩm chăn nuôi cũng sẽ tăng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai, dự báo ở mức từ 1,0 - 3,5%/năm. Tăng trưởng tiêu thụ thịt, sữa ở các nước công nghiệp được dự đoán sẽ chậm hơn so với các nền kinh tế đang phát triển.

Nhu cầu lương thực cho sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng gần gấp đôi ở vùng cận Sahara châu Phi và Nam Á, từ 200 kcal/người/ngày vào năm 2000 đến khoảng 400 kcal/người/ngày vào năm 2050.

Mặt khác, ở hầu hết các nước OECD đã có lượng hấp thụ calo cao của sản phẩm động vật (1.000 kcal/người/ngày trở lên), mức tiêu thụ sẽ không thay đổi, trong khi ở Nam Mỹ và các nước thuộc Liên Xô cũ sẽ tăng lên.

Dự báo mức tiêu thụ thịt và sữa bình quân/người/năm ở các nước phát triển đến năm 2030 tương ứng là 89 và 209kg và đến năm 2050 tương ứng là 94 và 216kg. Ở các nước đang phát triển đến năm 2030 tương ứng là 38 và 67kg, đến năm 2050 là 44 và 78kg.

Tổng mức tiêu thụ thịt, sữa ở các nước phát triển đến năm 2030 tương ứng là 121 triệu tấn và 284 triệu tấn, đến năm 2050 là 126 và 295 triệu tấn. Còn ở các nước đang phát triển, tổng mức tiêu thụ thịt và sữa đến năm 2030 tương ứng là 252 và 452 triệu tấn; đến năm 2050 là 326 và 585 triệu tấn.

Ở Việt Nam sự phát triển của ngành chăn nuôi cùng với việc thu nhập của người lao động tăng, dẫn đến thay đổi lớn trong cách chi tiêu. Theo một tính toán của Ngân hàng Thế giới, tổng chi tuyệt đối cho gạo giảm 4% trong khi chi cho thịt và sữa tăng gấp đôi. Tại khu vực đô thị, chi tiêu cho gạo giảm từ 25% (2002) xuống còn khoảng 17,2%, trong khi chi cho sản phẩm chăn nuôi tăng từ 32,7% lên 37,8% trong cùng kỳ. Tại khu vực nông thôn, chi tiêu cho gạo giảm từ 38,9% xuống 25,4% và chi cho sản phẩm chăn nuôi tăng từ 23,4% lên 34%.

Xu hướng sản xuất nông nghiệp

Phát triển hệ thống chăn nuôi trong những thập kỷ tới chắc chắn sẽ liên quan đến sự cân bằng giữa an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng, bền vững môi trường và phát triển kinh tế. Trong lịch sử, sự phát triển chăn nuôi được đặc trưng bởi hệ thống sản xuất cũng như sự khác biệt ở các khu vực trên thế giới. Hệ thống sản xuất chăn nuôi công nghiệp ở các nước phát triển đã góp phần gia tăng sản phẩm thịt gia cầm và thịt lợn trên thế giới, và các hệ thống sản xuất này đang được thiết lập ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Ước tính ít nhất 75% tổng tăng trưởng sản xuất đến năm 2030 sẽ nằm trong các hệ thống chăn nuôi công nghiệp, nhưng sẽ có ít sự tăng trưởng của hệ thống này ở các nước châu Phi.

Trong khi sự tăng trưởng sản lượng cây trồng chủ yếu do tăng năng suất chứ không phải từ việc mở rộng diện tích, thì việc gia tăng sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng lên nhờ vào việc mở rộng số lượng vật nuôi ở các nước đang phát triển, đặc biệt là động vật nhai lại. Giá các loại cây lương thực thực phẩm có khả năng tăng với tốc độ nhanh hơn so với giá của các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, việc sản xuất thức ăn thay thế cho động vật nhai lại trong các hệ thống trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp có thể bị hạn chế bởi cả đất và nước, đặc biệt là các hệ thống tưới tiêu.

Dự báo sự gia tăng đáng kể nhu cầu lương thực sẽ có tác động sâu sắc đối với hệ thống chăn nuôi trong những thập kỷ tới. Ở các nước phát triển, tăng trưởng năng suất sẽ góp phần tăng tỷ trọng tăng trưởng sản xuất chăn nuôi khi việc mở rộng quy mô sẽ chậm lại.

Giá thịt, sữa và ngũ cốc có khả năng tăng trong những thập kỷ tới, đảo ngược đáng kể xu hướng trong quá khứ. Sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu thịt và sữa có thể làm tăng giá ngô và các loại ngũ cốc thô và các loại nguyên liệu thức ăn khác.

Ngành sản xuất nông nghiệp đang phục vụ ngày càng nhiều cho chế độ ăn toàn cầu hóa. Việc bán lẻ qua các siêu thị tăng 20% mỗi năm ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, và điều này sẽ tiếp tục trong vài thập kỷ tới khi người tiêu dùng đô thị cần nhiều thực phẩm chế biến hơn, do đó gia tăng vai trò của kinh doanh nông nghiệp. Rõ ràng, xu hướng sử dụng thực phẩm giàu protein ngày càng cao, và như vậy, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển là điều dễ hiểu.

Nhu cầu năng lượng sinh học được dự đoán sẽ cạnh tranh với các nguồn tài nguyên đất và nước và điều này sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về đất đai từ việc tăng nhu cầu về nguồn thức ăn.

Sự khan hiếm nước và đất sẽ đòi hỏi tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đáng kể trong sản xuất chăn nuôi để tránh những tác động bất lợi đến an ninh lương thực và mục tiêu an sinh của con người. Giá cao hơn có thể mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nông nghiệp, nhưng có thể giảm tiếp cận với thực phẩm bởi một số lượng lớn người tiêu dùng nghèo, bao gồm cả những nông dân không sản xuất thặng dư ròng cho thị trường. Kết quả là, tiến trình giảm suy dinh dưỡng được dự báo sẽ chậm lại.

Dự báo trong các thập kỷ tới, chăn nuôi của thế giới sẽ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng; sản xuất thực phẩm hữu cơ; thân thiện với môi trường và coi trọng phúc lợi động vật. Nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm hữu cơ tiếp tục tăng cao nên doanh số bán các loại mặt hàng này trên thị trường toàn cầu tăng bình quân 12-13%/năm trong những năm qua và xu hướng tiêu dùng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ với 24,4 tỷ USD, trong khi nước tiêu thụ loại thực phẩm này theo đầu người hàng năm lớn nhất là Thụy Sĩ (204 USD). Hiện đã có một số công ty lớn trên thế giới liên kết với người chăn nuôi để tạo dựng thị trường thực phẩm hữu cơ ổn định.

Do áp lực từ các tổ chức xã hội, nhiều tập đoàn chăn nuôi đa quốc gia, công ty phân phối và chế biến thực phẩm đều đang thực hiện cải thiện phúc lợi động vật bằng việc thay đổi dần các quy trình sản xuất.

Phần lớn người tiêu dùng ở các nước phát triển đều quan tâm đến phúc lợi động vật và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những động vật có xuất xứ từ trang trại nuôi dưỡng được đảm bảo tính nhân đạo.

Nhiều quốc gia thành viên tham khảo và sử dụng các tiêu chuẩn của OIE được trong quá trình theo đuổi phúc lợi động vật trong sản xuất và thương mại.

Giống gia cầm ngày càng đa dạng

Giống gia cầm ngày càng đa dạng

Ngành chăn nuôi toàn cầu được đánh giá vừa là tác nhân gây ô nhiễm môi trường vừa là đối tượng chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường do chính ngành này gây ra. Theo các nhà khoa học, hành tinh chúng ta đang sống không khác gì một trang trại khổng lồ vì 40% diện tích bề mặt trái đất được sử dụng để sản xuất thực phẩm cho con người. Ước tính ngành chăn nuôi phát thải khoảng 15% tổng lượng phát thải khí nhà kính của con người, gần như tương đương với lượng khí thải trực tiếp từ giao thông vận tải.

Tại các nước đang phát triển ngành này đóng góp tỷ lệ hiệu ứng nhà kính cao nhất, trong đó 75% từ hoạt động chăn nuôi động vật nhai lại và 56% từ chăn nuôi gia cầm và heo. Do đó, thịt heo và gà luôn được đánh giá là “thân thiện môi trường” nhất khi tỷ lệ hiệu ứng nhà kính là 10%.

Chăn nuôi Việt Nam hiện đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, sau khi nước ta gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những cơ hội và thách thức sẽ xuất hiện cả trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhưng muốn cạnh tranh hiệu quả thì ngành chăn nuôi nước ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ. Trong đó tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, VSATTP, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Sơn
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam


Bài viết liên quan: