Cúm gia cầm H5N1 là gì? Cúm gia cầm H5N1 là một loại bệnh ở gia cầm do virus H5N1 gây ra. H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Chủng virus này lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Chính nhóm virus cũng là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở Hông Kông lúc đó. Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
Tính đến ngày 28 tháng 2, 2008, trên thế giới đã có 369 trường hợp người nhiễm virus H5N1 và trong đó 234 người đã tử vong. Quốc gia chịu tổn thất về người nặng nề nhất là Indonesia và Việt Nam. Đã có 10 quốc gia châu Á và châu Âu phát hiện thấy virus H5N1. Ngoài ra, hơn 120 triệu con chim (gia cầm) đã bị chết do nhiễm virus hoặc bị tiêu huỷ.
Tìm hiểu về bệnh cúm gia cầm H5N1
Thông thường, những virus cúm này lan truyền trên thế giới bằng cách ký sinh ở tế bào ruột non của các loài chim di cư, khi đó chúng là những chủng H5N1 không gây chết. Tuy nhiên, những chủng virus này có thể bị đột biến và trở thành chủng cúm gia cầm có độc tính cao nhất từ trước đến giờ. Điều này cũng tương tự như cơ chế của chủng virus H1N1 đã gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.
Tác nhân gây bệnh cúm H5N1
Virus cúm H5N1 là một lọai virus có khả năng tồn tại khá lâu trong nhiều điều kiện khác nhau, nhất là ở nhiệt độ thấp, vì vậy dịch cúm thường xảy ra vào mùa lạnh.
- Trong điều kiện đông lạnh virus tồn tại khá lâu.
- Ở 22 độ C virus sống được 2 – 6 tháng.
- Trong không khí 33 độ C virus sống được 4 giờ.
- Ở nhiệt độ 60 độ C virus chết trong vòng 5 phút.
Virus khá mẫn cảm với các lọai thuốc sát trùng gốc clo và iod cũng như chịu đựng kém với chất sát trùng mạnh như Fomol.
Cách lây truyền, thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ lây lan, tính cảm nhiểm và đề kháng
Đến nay chưa xác định được tất cả các đường lây truyền của virus cúm, nhiều khả năng virus lây gián tiếp qua đường không khí do hít phải virus dưới dạng khí dung hoặc do tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hay người có bệnh.
Một nguồn lây rất quan trọng đó là các lòai chim di trú , thức ăn gia súc công ngiệp nhiễm virus cũng là nguồn lây truyền khá nguy hiểm cho các trại chăn nuôi.
Thời kì ủ bệnh cúm từ 1 – 3 ngày.
Thú mang bệnh có thể lây truyền bệnh cho thú khác từ 3 – 5 ngày sau khi có triệu chứng bệnh cho đến khi chết hoặc nhiều ngày sau khi hết bệnh.
Mức độ bệnh thay đổi từ khi có triệu chứng đường hô hấp đến nhẹ , trầm trọng hay dẩn đến tử vong tùy vào lòai cảm nhiễm và các yếu tố khác như tuổi, giới tính, liều gây nhiễm, môi trường hay sự cộng nhiễm của các bệnh khác.
Triệu chứng và bệnh tích
Ở gia cầm giảm đẻ trứng, xuất hiện triệu chứng hô hấp như thở khó , có tiếng ran, chảy nhiều nước mắt, viêm xoang, xanh tím dưới da, đặc biệt là da cổ, và mào xuất huyết, phù đầu và mặt, xù lông, tiêu chảy, rối loạn thần kinh, tỉ lệ chết cao đến 100%. Trường hợp cấp tính gà bệnh chết mà không có triệu chứng điển hình. Bệnh tích đặc trưng ở gia cầm là phổi sưng , xuất huyết và họai tử. Buồng trứng và ruột viêm, xuất huyết não và cơ tim.
Đối với con người, cúm gà gây ra các triệu chứng tương tự như của các loại cúm khác. Đó là sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ bắp, viêm màng kết và;ở những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy giảm hô hấp và viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc phần lớn vào thể trạng sức khoẻ, khả năng miễn dịch, tiền sử tiếp xúc virus của người bị nhiễm.
Biện pháp phòng bệnh cúm H5N1
Về phương diện thú y do bệnh H5N1 không có thuốc đặc trị nên phòng bệnh là biện pháp chủ yếu để giảm thiệt hại.
Phòng bệnh bằng cách tiêu độc và cách ly là biện pháp duy nhất để giảm thiệt hại.
Trước mùa dịch các biện pháp vệ sinh tiêu độc chuồng trại là rất cần thiết để hạn chế mật số của virus gây bệnh. Tăng sức đề kháng bằng cách giảm mật độ cho gia súc uống hoặc trộn thức ăn Vitamin C và B12 để chống Stress do thức ăn và thời tiết là biện pháp tốt để giảm khả năng nhiễm bệnh của gia cầm.
Trong mùa dịch không cho vật nuôi tiếp xúc với vật nuôi bệnh. Thường xuyên tiêu độc chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng trong thời gian nuôi, giữa hai đợt nuôi chuồng phải được tiêu độc đúng kỹ thuật và bỏ trống, khô ít nhất 2 tuần. Tiêu độc kỷ các phương tiện ra vào trại chăn nuôi, hạn chế công nhân đi lại từ chuồng này sang chuồng khác. Hạn chế tối đa việc tham quan.
Chống dịch: nếu xác định có nguy cơ lây nhiễm cho người thì phải tiêu diệt các vật nuôi nhiễm bệnh hay có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Để dập tắt dịch cúm gia cầm bán kính 3 km tính từ ổ dịch được áp dụng để hủy các đàn trong khu vực. Ngưng vận chuyển, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm ngay trong vùng dịch. Tiêu độc, tẩy uế và vệ sinh nơi có dịch.
Đọc thêm: Kỹ thuật nuôi gà