Kỹ thuật nuôi trăn


Trăn là loài động vật dễ nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao. Thịt trăn được chế biến thành nhiều món ăn. Da trăn có thể làm ví, cặp, đồ nữ trang. Mỡ trăn dùng chữa phỏng, bôi vào vết ngứa trên da; các vết thương đang chảy máu sẽ cầm máu ngay. 

Giá trị kinh tế của trăn

Ngoài việc khai thác trăn làm thực phẩm, con người cũng đã khai thác trăn như một nguồn dược liệu quý:

– Lấy da trăn đem đốt thành than, tán bột rồi trộn lẫn với mỡ, bôi trị ghẻ rất hiệu nghiệm

– Mật trăn ngâm trong rượu dùng để xoa bóp các vết thương tụ máu, nơi có các khớp bị sưng đau, tác dụng tương đương mật gấu, cùng dùng để chữa mắt sưng, vùng bụng tim đau như có trùng cắn, bộ phận dưới âm hộ trùng ăn lở loét (Danh y biệt lục).

– Thịt trăn làm chà bông cho sản phụ ăn hằng ngày giúp mau chóng lấy lại sức, giảm đau nhứt và tê mỏi (Đỗ Huy Bích, 1979)

– Mỡ trăn chứa nhiều hợp chất béo như palmitin, olein… dùng để trị bệnh ngoài da. (Theo lương y Đinh Bà Luyện và dược sĩ Diệu Phương).

– Xương trăn đem nấu cao uống có tác dụng chữa đau lưng, nhứt xương, nhất là đau cột sống.

– Máu trăn pha với rượu uống có tác dụng bổ máu, chữa bệnh chống mặt, hoa mắt.

nuôi trăn

Đặc điểm của loài trăn

Trăn thuộc lớp bò sát. Kích thước của trăn thay đổi từ 50cm-10m nhưng đa số có cỡ trung bình và lớn. Ở phần cuối của thân, ngay phía trước hậu môn còn có di tích của đai hông và xương đùi mà một phần lộ rõ ra ngoài thành 2 cựa giống như cựa gà. Có 2 phổi phát triển đầy đủ mặc dù phổi bên phải dài hơn bên trái. Các xương hàm khớp lỏng lẽo với nhau và có khả năng cử động linh hoạt, nhờ đó trăn có thể há miệng nuốt được những con mồi rất lớn. Cả hai hàm đều có răng mọc hơi xiên, có răng phiá trước dài hơn các răng nằm phiá trong và không có nọc độc. Hệ cơ thân rất khoẻ, được sử dụng để quấn và giết mổi. Số lượng đốt sống rất lớn, thay đổi từ 300-450 đốt. Màu sắc cơ thể thay đổi tuỳ loài nhưng thường có những hoa văn hình mạng lưới ở mặt lưng tạo nên màu sắc ngụy trang giúp con vật có thể phục kích để rình mồi rất tài tình. Hiện nay trên thế giới có khoảng 22 giống, 80 loài.

Trăn là động vật ưa ấm và ẩm, chịu được một cách dễ dàng với nhiệt độ cao về mùa hè nhưng chúng rất nhạy cảm với lạnh. Ở các tỉnh phía Bắc về mùa đông trăn phải tìm những nơi kín đáo để trú ẩn qua mùa đông giá rét còn ở đồng bằng Nam bộ, trong mùa khô trăn phải chui rúc mình dưới các lớp cỏ để tránh nóng. Trong suốt thời gian trú đông và trú khô, trăn nằm yên một chỗ, động tác hô hấp không thấy rõ ràng, quá trình trao đổi chất giảm xuống ở mức thấp nhất, và năng lượng cung cấp cho sự sống lúc này chủ yếu là do khối lượng mỡ được tích trữ vào cuối mùa thu hay cuối mùa mưa. Chu kỳ hoạt động ngày của trăn khá rõ nét. Trăn hoạt động chủ yếu và ban đêm còn ban ngày thường tìm những nơi kín đáo để ẩn nấp. Trong chuồng nuôi, chúng ta sẽ quan sát thấy trăn suốt ngày nằm quấn tròn thành một cục, ngủ li bì. Thời gian hoạt động tuỳ thuộc vào lứa tuổi. Nói chung trăn nhỏ ra kiếm ăn sớm hơn trăn trưởng thành.

Làm chuồng nuôi trăn

Chuồng nuôi là yếu tố quan trọng khi nuôi trăn bởi trăn rất khoẻ, nếu nó chui được đầu thì sắt 8-12 li đều bị trăn bẻ gãy.

Chuồng có thể làm bằng gỗ thanh, nan tre, sắt, lưới mắt cáo… có khe, lỗ rộng từ 1-2,5cm (tuỳ loại trăn nuôi) để tiện vệ sinh và không cho trăn chui ra ngoài.

Kích thước ô chuồng cao 0,6-0,7m, rộng 0,5-0,6m, dài 24m. Với diện tích này có thể nhốt các loại trăn theo số lượng: trăn sơ sinh 0,5kg/con nhốt 8-12 con, từ 0,7-2kg/con nhốt 5-7 con, từ 2,5-5kg nhốt 3-4 con, từ 5kg trở lên nhốt 2-3 con.

Nơi có điều kiện đất rộng nên làm chuồng kết hợp với khu vườn rừng chăn thả, có rào lưới sắt tráng kẽm chắc chắn.

lồng trăn

Trăn giống

– Trứng giống sau khi ấp 53-55 ngày nở ra trăn giống. Nuôi chúng bằng thức ăn: gà con mới nở, chuột nhỏ, chim cút nhỏ. Khoảng 3-5 ngày dùng gà con hoặc chuột sống nhử cho trăn đớp ăn, kéo lên thả ra ngoài cho trăn đớp mồi, sau đó bắt đỡ nhẹ thả vào chuồng.

– Cứ 3-5 ngày lại cho trăn con ăn một lần: có lần trăn lớn, bắt mồi thả ra ngoài cho nuốt xong lại ăn tiếp con thứ 2. Số lượng cho ăn tăng thêm theo tuổi nuôi, 2 tháng tuổi cho ăn 2 con gà hoặc chuột nhỏ, 3 tháng tuổi có thể cho ăn 3 con gà nhỏ, sau thời gian 7-10 ngày không cho thức ăn vào chuồng, trăn tranh nhau ăn sẽ cắn nhau, làm trăn bị thương, sinh bệnh.

Phải có máng chứa nước cho trăn uống hoặc tắm mình vào nước cho dễ lột da. Thường ngày phải dọn sạch phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân khô, it1 gây mùi thối, khoảng 5-7 ngày xả it1 nước hoặc đưa trăn ra tắm trong chậu nước, cho trăn dạn người và sạch sẽ.

Trăn giống nuôi sau 4-5 tháng thì dài khoảng 0,8m nên chọn nuôi riêng thành trăn thịt.

Kỹ thuật nuôi:

Thức ăn cho trăn chủ yếu là những động vật có máu nóng ( gà, vịt, chim cút non…, thú có guốc nhỏ (thịt heo, bò, dê, cheo mễn…), các loài gặm nhấm (thỏ, chuột…)

Nước là một yếu tố cần thiết cho đời sống của trăn, tuy rằng nhu cầu không nhiều và thường xuyên vì lượng nước có trong thức ăn đã đủ cho nhu cầu cơ thể. Sau khi ăn xong, trong quá trình tiêu hoá trăn cần uống nước. Những ngày nóng bức và đặc biệt khi sắp thay da trăn trầm mình trong nước. Nước giúp nó lột xác mau chóng và dễ dàng hơn; thiếu nước lớp vẩy sừng thường bị sát khó bong. Vì vậy, trong chuồng nuôi cần thiết phải có một chậu nước cho trăn.

Nuôi trăn thịt:

Trăn con từ 1 tháng tuổi đến 0,5kg, 1 tuần cho ăn 1 lần, hết 0,5kg thức ăn trong 1 tháng.

Trăn từ 1 – 5kg cho ăn 2-3 lần/tháng, mỗi lần từ 1-1,5kg thức ăn.

Trăn từ 6-10kg cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần cho ăn từ 1,5-1,7kg thức ăn.

Trăn trên 10kg, cứ 8-20 ngày cho ăn 1 lần, mỗi lần từ 3-5kg thức ăn.

Ngoài ra, còn cần chú ý bổ sung thêm các loại vitamin B1, B6, B12, C, A, D, E, PP… hòa vào nước cho uống sau mỗi lần trăn ăn hoặc uống trực tiếp.

Nuôi trăn sinh sản:

Thông thường trăn sống đơn độc. Chỉ đến mùa sinh sản những con trăn đực và trăn cái mới tìm đến nhau. Mùa phối giống của trăn từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Thời gian phối tốt nhất là tháng 11-12. Trước mùa phối giống 1 tháng cho con cái ăn thật no để có đủ dinh dưỡng tích mỡ và tạo trứng.

Tuổi trăn phối giống là 28-30 tháng tuổi. Khi trăn cái muốn giao phối thường tiết ra mùi đặc hiệu để dụ con đực. Lúc này thả trăn đực khoẻ mạnh có trọng lượng bằng hoặc to hơn vào, chúng xoắn xuýt, giao phối với nhau 1-3 giờ. Nên cho phối kép để đảm bảo trứng thụ thai và có tỉ lệ nở cao.

Trăn cái mang thai từ 120-140 ngày. Trong thời gian trăn cái có chửa không cho ăn hoặc cho ăn mỗi lần một ít để tránh chèn ép trứng.

Khi chuẩn bị đẻ, con cái bò đi bò lại trong chuồng, đào đất, tìm chỗ trũng, có rơm, cỏ khô để đẻ. Có thể làm ổ đẻ cho trăn bằng bao xác rắn đựng trấu cài đặt vào một góc chuồng, nơi yên tĩnh, tránh gió lùa…

Mỗi lần trăn cái đẻ từ 10-100 quả trứng. Sau khi đẻ hết trứng vào ổ, trăn cái tự cuộn tròn lại trên trứng để ấp. Khi trăn ấp nên kiểm tra vài lần, nếu thấy các quả trứng to đều, trắng, khô ráo, vỏ láng bóng là trứng tốt; những quả quá to hay quá nhỏ, vỏ xỉn vàng… là trứng hỏng phải loại bỏ.

Thời gian ấp trứng 53-55 ngày thì nở. Trăn con tự mổ vỏ trứng chui ra. Sau 1-2 ngày có những con trăn yếu không tự mổ vỏ chui ra, phải đem thả những quả trứng này vào nước ấm kích thích để trăn con tự mổ vỏ chui ra. Còn quả nào chưa nở, ta hỗ trợ bằng cách xé vỏ dài 1cm, lần tìm đầu trăn con nhẹ nhàng kéo ra. Trăn mới nở dài 50-60cm, nặng 80-140g.

Trăn con sau khi nở có thể tự sống 3-5 ngày bằng khối noãn hoàng tích ở trong bụng. Sau thời gian này, bụng trăn con xẹp lại, da nhăn nheo và lột xác đầu tiên. Trăn khỏe mạnh bình thường cho ăn 4-5 lần/tháng, trăn yếu cho ăn 10 lần/tháng. Thức thích hợp thịt lợn nạc, thịt bò, trâu, dê… tươi ngon thái nhỏ.

Cách cho trăn con ăn: Dùng một qua nhỏ vót tà đầu ghim vào miếng mồi, tai trái cầm đầu trăn, tay phải cầm que đưa thức ăn vào miệng trăn. Không được thọc que vào sâu trong họng dễ gây thương tích. Sau khi đã cho mồi vào miệng trăn, không được rút ngược que mà gạt ngang que về phiá mép trăn, để miếng mồi lại. Trong quá trình thao tác cần phải hết sức nhẹ tay để tránh làm gẫy răng hoặc đánh rơi trăn từ trên cao xuống đất.

Cách phân biệt trăn đực, trăn cái:

Cũng giống như các loài rắn khác, việc phận biệt một con trăn đực với một con trăn cái thật không đơn giản vì chúng có hình dạng và màu sắc gần giống nhau, mặt khác chúng lại có cơ quan sinh sản nằm bên trong cơ thể nên rất khó phân biệt. Thường rắn đực có đuôi dài hơn và phần đầu của đuôi (nơi tiếp giáp với hậu môn) hơi phình ra, trong khi ở con cái thì hơi thắt lại. Kích thước và trọng lượng của trăn đực cũng thường nhỏ hơn trăn cái, số vây bụng ít hơn nhưng có đuôi dài và số lượng vây đuôi nhiều hơn. Trăn đực có 2 mấu ngựa nằm hai bên khe huyệt trông tực như chiếc cựa chân gà, có lẽ là cơ quan dùng để kích thích trăn cái khi giao phối.

– Trăn đực: Thân thon dài, có 2 cựa dài ở hai bên hậu môn lộ ra ngoài, vẩy hậu môn to, chóp vẩy tù. Vẩy quanh hậu môn nhỏ xếp xít nhau, ấn mạnh tay vào hai bên huyệt thấy cơ quan giao cấu lộ ra.

– Trăn cái: Thân to mập, cựa hai bên hậu môn ngắn, nằm ẩn sâu bên trong. Vẩy quanh hậu môn to, xếp không sít nhau, không thấy có cơ quan giao cấu.

Lưu ý:

– Trăn nuôi lúc đói, lột xác, đang ấp trứng… thường rất hung dữ, chúng rất nhạy cảm với các loại mùi thuốc lá, hành, tỏi, dầu sả… nên cần tránh những mùi này. Nhưng nếu trong trường hợp bị trăn cắn, bạn chỉ việc nhét một nhúm thuốc rê vào miệng, lập tức trăn sẽ nhả ra.

– Trăn nuôi khi ăn no rất hiền, thích vuốt ve, cõng bế, về mùa hè rất thích dầm nước. Vì vậy, trong chuồng, khu chăn nuôi ngoài máng, chậu uống, cần có chậu to hoặc xây bể để khi nóng bức trăn bò vào đầm tắm…

– Trăn lột xác vào muà hè, trăn non lột nhiều lần hơn trăn già. Lúc sắp lột xác trăn có màu da sẫm hơn, hai mắt trở nên đục mờ, ngừng ăn, tìm chọn những nơi có nước, gần nước để nằm. Thời gian lột xác thường kéo dài từ 1-2 tuần.

Nguồn: Trung tâm Thông tin KH & CN Thành Phố Hải Phòng


Bài viết liên quan: