Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó giám đốc công ty CP Thú y Việt Nam) với danh hiệu “nữ hoàng ngựa bạch”, khi thành công với việc nhân giống ngựa quý và đưa ra thị trường sản phẩm cao xương ngựa bạch. Cũng nhờ đó, cô Hằng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chuyện người phụ nữ Hà Thành nhỏ nhắn, giản dị ấy sản xuất thành công Đông trùng hạ thảo- một nguồn dược liệu quý, vẫn khiến tôi một lần nữa phải ngỡ ngàng và thán phục!
Trong cái nắng hanh vàng như rót mật của ngày đông, tôi phóng xe xuống trang trại Vạn An (xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội). Băng qua triền đê, trang trại Vạn An hiện xanh mướt một màu cỏ cây, nơi đây không chỉ nổi tiếng là nơi có trại ngựa bạch lớn nhất Việt Nam, có trang trại học đường, mà nay còn đột phá với Trung tâm nuôi trồng nấm công nghệ cao Vạn An. Tại đây, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng và Viện di truyền nông nghiệp đã nghiên cứu, nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo có chất lượng hàng đầu và giá thành rẻ nhất trong thị trường dược liệu quý này.
Nấm đông trùng hạ thảo nuôi trồng nhân tạo
Xem thêm: Máy sấy lạnh, máy sấy đông trùng hạ thảo
Căn phòng “Tây Tạng”
Mặc chiếc áo bảo hộ và xỏ đôi ủng, tôi theo cô Hằng, Giám đốc trung tâm Trung tâm nuôi trồng nấm công nghệ cao Vạn An đi xem quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo với nhiều khu vực: Phòng thí nghiệm, phòng ươm, phòng nuôi cấy.
Tại phòng nuôi cấy, trong thứ ánh sáng trắng, những lọ đông trùng hạ thảo vàng rực lại hiện lên lung linh hơn bao giờ hết, bà chủ Hằng tươi cười giới thiệu cho tôi về quy trình sản xuất ra Đông trùng Hạ thảo.
Theo cô Hằng, giống nấm đông trùng hạ thảo sẽ được cấy trên 2 loại giá thể là trên nền hỗn hợp gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm xay và trên nền cá thể nhộng tằm sống.
Đối với nhộng tằm là nguyên liệu đầu vào của quá trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo thì nhộng phải còn sống, tiêu chuẩn tốt mới đáp ứng được yêu cầu. Nhộng mua về cắt vỏ kén lấy nhộng rồi nghiền nhộng pha với nước sau đó đổ vào các lọ có chứa một ít gạo lứt, mang đi hấp khử trùng ở nhiệt độ 121 độ C trong vòng 30 phút. Bước tiếp theo là cấy giống nấm vào lọ rồi chuyển vào phòng nuôi cấy.
Với cá thể nhộng tằm sống, việc cấy phải được thực hiện thủ công từng con một. Tỷ lệ phát triển thành công của đông trùng hạ thảo trên thể nhộng sống khá thấp, chỉ khoảng 30%. Bước tiếp theo là cấy giống nấm vào lọ rồi chuyển vào phòng ươm.
Ở phòng ươm, những lọ giống nấm Đông trùng hạ thảo đang trong quy trình tăng sinh khối, đây cũng là công đoạn cuối trước khi nấm giống được cấy vào các giá thể để nuôi trồng. Đảm bảo chất lượng giống nấm là việc tối quan trọng để đảm bảo sự sinh trưởng cũng như chất lượng đông trùng hạ thảo trong quá trình phát triển sau này.
Cô Hằng cho biết, ở phòng nuôi cấy, các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong phòng này đều được điều chỉnh gần nhất với môi trường tự nhiên như ở Tây Tạng, nơi hiếm hoi trên thế giới phát hiện được nấm đông trùng hạ thảo thiên nhiên.
Mỗi ngày, cô Hằng là người trực tiếp đi kiểm tra chất lượng sống của từng lọ, lọ nào không đạt chất lượng là loại ngay. Chỉ tay vào những lọ đông trùng hạ thảo phát triển rất khác nhau, lọ thì nấm đã mọc lên khá dài, lọ lại chỉ chúm chúm những nụ nhỏ, cô Hằng giải thích, về chất lượng nấm trong các lọ là như nhau bởi thành phần và tỷ lệ nguyên liệu đầu vào là đồng nhất, sự khác biệt về hình thức chỉ là do sự điều chỉnh về ánh sáng. Tùy vào sở thích của người mua (người thích nấm dài, người thích nấm chúm chúm), cô sẽ điều chỉnh ánh sáng phù hợp, thích dài được dài, thích ngắn là có ngắn. Cô Hằng cho hay, mỗi lọ đông trùng hạ thảo này sẽ được nuôi trong căn phòng đặc biệt này trong 60 – 75 ngày là hoàn thiện có thể mang ra sử dụng.
Nếu giống nấm, giai đoạn đầu tiên không ổn định được nhiệt độ thì nó sẽ xảy ra giai đoạn sốc nhiệt thì chất lượng của nấm không ổn. Ví dụ nó mọc kín lọ những không tạo thành quả thể.
Cô Hằng giải thích, nhiều người vẫn cho rằng, đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành cây cỏ nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên, thực tế, đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối thu đầu đông, chúng ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả thể mọc thành dạng cây cỏ.
Nhà kính nuôi đông trùng hạ thảo
Đi tắt đón đầu
Vừa cắt những con kén để làm giá thể đông trùng hạ thảo, cô Hằng vừa tâm sự về những ngày đầu làm dự án đông trùng hạ thảo. Xuất phát từ ý tưởng sản xuất, kinh doanh sản phẩm có lợi cho sức khỏe cộng đồng, cô Hằng cùng với bác sĩ Hoàng Triều, giám đốc công ty cổ phần Thú y Việt Nam lựa chọn Đông trùng hạ thảo. Suy nghĩ rằng, đã có nhiều nơi làm thành công Đông trùng hạ thảo thì giờ mình mua công nghệ về làm, rồi tiếp tục nghiên cứu. Như vậy sẽ sớm có sản phẩm hơn là tự mình mày mò nghiên cứu từng bước. Nói là làm, nhà xưởng và thiết bị máy móc của Trung tâm công nghệ cao nuôi trồng Đông trùng hạ thảo gấp rút được hoàn thiện vào đầu khoảng tháng 3/2017.
Song song với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cô Hằng một người “ngoại đạo” với khoa học nhưng đã trực tiếp đi học công nghệ nuôi cấy Đông trùng hạ thảo từ Viện Di truyền nông nghiệp.
Theo cô Hằng, nuôi trồng đông trùng hạ thảo, quan trọng bậc nhất là vô trùng. Chỉ cần trong không khí có một chút ô nhiễm, toàn bộ sản phẩm sẽ hỏng và phải bỏ ngay. Những sản phẩm bỏ đi này cũng được đem tiêu hủy ở một nơi khác để không ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng. Dù có một ekip làm việc chuyên nghiệp, nhưng với tất cả các công đoạn quan trọng, cô Hằng đều tự mình thực hiện.
Tới tháng 5/2017, sau những vất vả lo toan của cô Hằng và BS Hoàng Triều, những lọ đông trùng hạ thảo đầu tiên đã được ra đời, được giới thiệu tới đông đảo bạn bè, khách hàng của trung tâm.
Tới bây giờ, dù đã nghe nhiều tới tác dụng của loại dược liệu quý này, nhưng cô Hằng vẫn bất ngờ về nó. Cô kể, có đợt, bố của một người bạn bị ốm, chỉ nằm một chỗ, không đi được, phải dùng ống thở oxy. Nhưng sau đó, cô Hằng biếu mấy lọ Đông trùng hạ thảo cho cụ uống. Thật bất ngờ, ông cụ đã không phải dùng ống thở cũng như dậy đi lại được.
Dù đã được Viện Di truyền nông nghiệp chuyển giao công nghệ nhưng ngày ngày, cô Hằng vẫn tiếp tục nghiên cứu mày mò để tìm ra những đột biến mới trong quá trình nuôi cấy loại dược liệu quý này…
Đông trùng hạ thảo tự nhiên
Vì sức khỏe cộng đồng
Chỉ tay vào khoảng trống nhà xưởng, nữ doanh nhân Hằng cho biết thêm, Trung tâm đã ký hợp đồng với một công ty dược, chỉ cần họ khởi động là cả khu này sẽ được phủ vàng bởi những giá thể đông trùng hạ thảo.
Quy trình nhân giống và nuôi trồng “đông trùng hạ thảo” được cô Hằng tuân thủ quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Sau khi thu hoạch, sản phẩm “đông trùng hạ thảo” được mang đến Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đưa ra kết quả phân tích với: Hàm lượng andenosie là 0,13 mg/g; Hàm lượng Cordycepin là 11,4mg/g, nhằm đảm bảo được chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, trang trại của cô Hằng đã được Cục An toàn thực phẩm Bộ y tế chứng nhận xưởng sản xuất Công ty cổ phần hội thú y Việt Nam đủ điều kiện theo quy định.
Với phương châm: “Uy tín- Chất lượng- Vì sức khỏe cộng đồng”, Trung tâm đã xây dựng một khung giá thành hợp lý nhất, rẻ hơn giá thị trường để mọi tầng lớp xã hội đều có khả năng mua được đông trùng hạ thảo phục vụ cho việc phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Trung tâm đã đưa ra nhiều dòng sản phẩm Đông trùng hạ thảo như Đông trùng hạ thảo khô, Đông trùng hạ thảo tươi, Đông trùng hạ thảo mật ong.
Năm 2017, sản phẩm Đông trùng hạ thảo Vạn An đã được trao tặng giải thưởng thực phẩm “Sản phẩm uy tín, chất lượng, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”,
“Mong muốn của tôi là cùng với đối tác phân phối độc quyền mở rộng sản xuất ra nhiều loại sản phẩm liên quan tới đông trùng hạ thảo nhằm giúp người dân tiếp cận được với loại dược liệu quý này”, cô Hằng chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Triều, Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Thú y Việt Nam, Giám đốc công ty CP Hội Thú y Việt Nam cho biết, cô Hằng không phải người xuất thân từ khoa học nhưng rất đam mê, dám bỏ tiền bạc, công sức ra để làm thành công thứ dược liệu này, đây là điều không ai cũng làm được. Hy vọng, thời gian tới, sản phẩm Đông trùng Hạ thảo Vạn An sẽ có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nữa.