Nuôi bò sữa kiếm tiền tỷ mỗi năm


Bò sữa nguồn gốc Moncada (Cuba) được nông dân nhiều xã tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi thử nghiệm từ 12 năm trước. Tuy nhiên, sau hơn 1 thập kỷ, giống bò sữa này chỉ thực sự phát triển mạnh tại xã Quỳnh Thắng.

Nhờ bò sữa, nhiều nông hộ ở đây đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.  

Ông Bùi Văn Vinh, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, xã Quỳnh Thắng cho biết, con bò sữa chính thức trở thành vật nuôi tại đây từ năm 2005. Đó là thời điểm 6 xã của huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ phát triển đàn bò theo Quyết định 47.

ông thìn và ông vinh

Ông Thìn và ông Vinh hồi tưởng lại những ngày nghèo khó

“Thời điểm đó, 32 hộ dân ở Quỳnh Thắng được vay 36 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%. Trong đó, 25% nguồn vốn vay này được hỗ trợ để mua 60 con bò sữa. Cũng như bà con ở một số xã khác của huyện Quỳnh Lưu, nông dân Quỳnh Thắng phấn khởi lắm! Bò giống được chuyển về từ các huyện nuôi bò sữa có truyền thống tại Hà Nội. Đến nay, Quỳnh Thắng có 46 hộ chăn nuôi, tổng đàn lên đến 371 con. Còn những xã khác, đàn bò sữa bị mai một dần”.

Thế nhưng, để có được thành quả như ngày hôm nay, các hộ chăn nuôi cũng trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng không còn trụ nổi với con bò sữa.

Ông Hồ Vĩnh Thìn, một chủ hộ nuôi bò sữa ở Quỳnh Thắng kể lại: “Lúc đó, tôi cũng mua 3 con bò sữa. Được đi tập huấn, học hỏi ở nhiều nơi, nhà lại có nhiều đất đai, tôi quyết định vay tiền để nuôi bò. Vợ con tôi phản đối, nhiều người dè bỉu, nghĩ rằng chúng tôi sẽ thất bại. Mà cũng thất bại thật nếu không có sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương và cả Hội chăn nuôi bò sữa của xã Quỳnh Thắng”.

Rồi ông Thìn kể tiếp, lúc đó, ông Vinh được bầu làm Chủ tịch Hội Chăn nuôi bò sữa xã Quỳnh Thắng. Vật nuôi mới khiến việc tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi hết sức khó khăn; lượng sữa tiết ra rất ít; giá sữa chỉ mới 3.200 đồng/kg nhưng không có đại lý thu mua tại địa phương như bây giờ. Các xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Thạch… lâm vào khó khăn rồi bỏ hẳn con bò sữa. Còn ông Vinh, cứ ngày 4 chuyến đi về tận huyện Nghĩa Đàn chỉ để nhập vài chục lít sữa cho nhà máy sữa Vinamilk. Thế mà người chăn nuôi bò sữa Quỳnh Thắng trụ đến bây giờ.

ông thìn và bò

Ông Thìn và chú bò sữa của mình

Giờ thì ông Bùi Văn Vinh trở thành Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến. Không có lực lượng lao động, ông Vinh nghỉ hẳn nuôi bò sữa để thu mua nhập cho nhà máy sữa Vinamilk nhưng nghề nuôi bò sữa nông hộ ở Quỳnh Thắng thì vẫn phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập khủng cho người dân.  

Theo thống kê, toàn xã Quỳnh Thắng hiện có 46 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 371 con. Trong đó, tỷ lệ cho sữa thường xuyên khoảng 50% tổng đàn. Mỗi ngày, nông dân Quỳnh Thắng nhập cho nhà máy sữa Vinamilk 3,3 tấn sữa, thu về trên 46 triệu đồng. Tính ra, nguồn thu từ bò sữa của 46 hộ dân gần 17 tỷ đồng/năm, lãi ròng trên 8 tỷ đồng.

Ông Hồ Vĩnh Thìn cho biết thêm: “Năm 2016, nhà tôi có 8 con cho sữa, đem về nguồn thu khoảng 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 12 con cho sữa, nguồn thu sẽ tăng đáng kể. Nuôi bò sữa nông hộ cũng nhàn nếu nghiêm túc tiêm phòng các loại vắc xin và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Bò sữa chịu lạnh tốt, mùa hè thì ngoài quạt cần phải làm mát cho bò bằng hệ thống dàn tưới mái. Quan trọng nhất bây giờ là đầu ra đang rộng mở, giá bán ổn định, người nuôi đang lãi cao”.

Ngoài việc trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn, vài năm lại đây, nông dân Quỳnh Thắng còn mua ngô sinh khối vể ủ chua, rỉ mật cho bò ăn. Theo ông Bùi Văn Vinh, từ khi cho ăn bằng thức ăn ủ chua, rỉ mật, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, ít bệnh tật và năng suất sữa cao hơn hẳn.

Nhờ hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, tốc độ tăng đàn bò sữa tại Quỳnh Thắng đang lên chóng mặt. Tuy nhiên, mặt trái của nó là những hệ lụy về môi trường khi địa phương vẫn chưa tìm ra được lời giải.

Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết: “Nghị quyết HĐND xã khóa XXIII đặt mục tiêu từ 2015 - 2020, đàn bò sữa sẽ tăng 10%/năm nhưng từ 2015 - 2017 đã tăng 35%. Hiện nay, cùng với việc nâng tổng đàn, nhiều hộ có nhu cầu đấu thầu đất xây dựng trang trại, trồng cỏ nhưng vẫn còn một số vướng mắc về đất đai. Chủ trương của chúng tôi là quyết tâm đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư. Làm được điều này rất cần sự hỗ trợ về cơ chế của cấp trên”.


Bài viết liên quan: