Trồng lúa không lãi, người dân chuyển đổi đất sử dụng cũng không được


Trồng lúa không có lãi nên người dân Hà Nam đã tự ý chuyển đổi đất sử dụng lúa. Về vấn đề này, ngày 15/12/2016 UBND huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã đưa ra quyết định về việc xử lý các vi phạm trong chuyển đổi đất ruộng trũng sang sản xuất đa canh có ghi cụ thể hai loại vi phạm.

Thứ nhất là tự ý thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Với dự án đa canh tỷ lệ cấy lúa là 55%, bờ 15%, ao 30%... Hộ nào thực hiện mà diện tích cấy lúa nhỏ hơn 55% hoặc không còn, diện tích đào ao lớn hơn 30%, diện tích đắp bờ, vườn lớn hơn 15% đều là vi phạm.

Thứ hai là tự ý chuyển đổi mà không có sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền. Nếu diện tích đó nằm trong vùng quy hoạch của sản xuất đa canh thì xã lập biên bản vi phạm, chỉ đạo lập dự án trình phê duyệt. Nếu diện tích đó nằm ngoài vùng quy hoạch thì xã lập biên bản, yêu cầu tự giải tỏa, trả lại mặt bằng, nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế, thời gian thực hiện xong trước ngày 25/4/2017. Mốc thời gian cưỡng chế mỗi lúc một ngắn lại khiến cho hàng chục hộ dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng, Hà Nam) cảm thấy mình như đứng trên chảo lửa.

Theo thông tin Chủ tịch xã thống kê, địa phương hiện có trên 400ha đất nông nghiệp. Cánh trẻ ở nông thôn giờ đi làm công nhân hay dịch vụ gần hết, chỉ có người trung tuổi và già ở lại làm nông bởi: Thứ nhất là để giữ đất cho con cháu. Thứ hai là lấy thóc sạch để ăn. Như nhà ông Chủ tịch có 4 khẩu với 6 sào ruộng được giao, tự tay thực hiện hết các công đoạn từ cấy, bón phân, làm cỏ đến phun thuốc chỉ trừ cày bừa, gặt hái nhưng lợi nhuận cũng chỉ được 200.000 - 300.000đ/sào/vụ. Lợi nhuận thấp sinh ra chán ruộng, cấy cho qua chuyện hoặc cho người khác mượn.

Sau đợt dồn điền đổi thửa năm 2013 những nhà được phân ở chân đất cao đã lác đác tự chuyển đổi. Lúc đầu xảy ra ở thôn Phù Đê, sau đó lan ra Lưu Giáo, Con Thừa, Thọ Cầu… với tổng cộng trên 10 hộ. UBND xã lúc đó đã họp các hộ lại đề nghị tạm dừng nhưng bởi thương dân chưa quyết liệt cưỡng chế nên cứ để vừa trồng vừa xin phép. Tới nay đã có trên 50 hộ tự ý chuyển đổi với tổng diện tích trên 10ha dù cho địa phương ra quyết định xử phạt 3 triệu/hộ nhưng cũng chẳng có hộ nào chịu nộp.

Theo ông Hậu (Chú tịch xã): Kế hoạch của trên sẽ giữ lại vùng chuyển đổi của 38 hộ còn 17 hộ giải tỏa. Số giữ là do tập trung gọn vùng, đất cao, khó khăn cho việc tưới tiêu, canh tác lúa. Số giải tỏa là do manh mún, lẻ tẻ và đất vẫn thuận lợi cho canh tác lúa. Tuy nhiên UBND xã đang ở thế kẹt giữa hai “gọng kìm”. Dưới thì dân xót của, xót sức đầu tư còn trên lại bắt phải giải tỏa bằng được. Thực hiện thì mất lòng dân, mà không thực hiện thì mất lòng huyện, tỉnh. Cơ cực "chuyển đổi chui", những người nông dân chân chỉ hạt bột, sinh ra trên luống cày, suốt ngày cắm mặt xuống đất đai nhưng làm lúa đến lao lực cũng chỉ đủ no mà tiền bạc thì túng thiếu. Khi họ tự phát chuyển đổi, trồng cây đã đến ngày thu trái lại nhận được quyết định phải dỡ bỏ. Lúc đầu là tất cả diện tích của hơn 50 hộ nhưng về sau chẳng hiểu sao lại chỉ còn 17 hộ. Cây trồng đã đến ngày thu quả mà nay phải phá...

trồng bưởi trái phép

Bưởi trồng trên đất trồng lúa

Kết quả đạt được của sản xuất đa canh khá rõ với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng/năm, mức thu bình quân 436 triệu/ha/năm gấp 5 - 6 lần trồng lúa. Tuy nhiên theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, vi phạm cũng không ít.

Thứ nhất là có 2.306 hộ thực hiện không đúng cơ cấu sử dụng đất theo dự án được duyệt, chiếm 91,8%.

Thứ hai là có 1.272 hộ tự ý chuyển đổi trên diện tích 480ha mà không có dự án được duyệt hoặc cấp xã duyệt không đúng thẩm quyền.

Thứ ba là có 266 hộ xây dựng công trình trái phép. Tin có đại diện cơ quan thông tin của ngành nông nghiệp về điều tra tình hình “chuyển đổi chui” lan nhanh như một vệt dầu loang, chẳng mấy chốc mà cánh đồng Thọ Cầu trở thành nơi hội tụ của những người khốn khổ.

Chị Trần Thị Thư - một nông dân đã cầm que vạch ngay trên đường đồng cho tôi thấy chi và thu của 1 sào lúa. Chi: bừa 90.000đ, giống 40.000đ, công cấy 400.000 - 500.000đ, thuốc sâu 50.000đ, phân 250.000đ, dịch vụ HTX 50.000đ, nội đồng 50.000đ, gặt 150.000đ, tổng là 1.180.000đ. Thu: Với năng suất lúa trung bình chỉ 150kg cho vùng đất cao như thế này nhân với 6.000đ/kg được 900.000đ. Lỗ hơn 200.000đ/sào. Trình bày xong bài toán cơ cực của nghề trồng lúa hiện nay mọi người lại dẫn tôi đi thăm cơ ngơi của mình đã dày công vun đắp. Một màu xanh mướt mát của táo, ổi, bưởi chen cùng màu xanh cốm của lúa non. Hầu như mặt ruộng ở đây không có nhiều sự thay đổi bởi đất không được đổ thêm vào mà chỉ vun luống từ dưới lên.

trồng bưởi trái phép

Bưởi nhà chị Thư đang ra quả

Anh Lê Văn Nguyễn - bảo sau dồn điền đổi thửa có nhiều diện tích ruộng cao, khó khăn về tưới tiêu nên không ai muốn nhận. Khi cán bộ UBND xã xuống thôn để vận động không được bỏ ruộng thì nhiều người có trình bày nguyện vọng muốn được chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn quả. Chính ông Sâm - khi ấy còn là Phó chủ nhiệm HTX bảo phải có đơn xác nhận của trưởng thôn mới được làm. Vậy là anh Nguyễn cùng với mấy hộ khác làm đơn. Anh càng thêm yên tâm vì sau đó còn được ông Tạ Văn Hậu khi ấy là Phó Chủ tịch xã chứng nhận để đề nghị Cty điện lực huyện cấp điện tới vùng chuyển đổi. 6 sào ruộng của anh nay đã thành. Táo trồng đầu năm, cuối năm đã cho thu hoạch nhưng bưởi, nhãn phải ba năm sau mới chịu bói. Đùng cái có quyết định cưỡng chế khiến cho ai nấy đều chán nản, không muốn đầu tư, chăm sóc. Cây cối để mặc không trông coi nên trẻ trâu mặc sức vặt trái, vin cành.

Anh Nguyễn thắc mắc: Giá ngăn chặn từ trước thì chúng tôi đã dừng lại chứ để yên mấy năm rồi nay đưa giấy ngăn, mai đưa giấy phá là sao? Tại sao cùng một xã, cùng là đất hai lúa mà có nhà chuyển đổi thì bị phá, có nhà lại không? Thậm chí có nhà đã nằm trong danh sách phải cưỡng chế, đã đánh cây đi rồi sau đó lại không còn trong danh sách nữa phải mất công để trồng lại? Cây cối đang tươi tốt thế này mà chặt đi thì không khác gì chặt vào chân, vào tay người trồng vì mất cả trăm triệu chứ ít đâu!

Rời bãi Cao, tôi sang trại Cao ở thôn Phù Đê để xem khu chuyển đổi của hai chị Đặng Thị Hương và Nguyễn Thị Loan. Tiếng là ruộng 2 lúa nhưng toàn cát lại sát nghĩa trang nên cấy lúa thiếu nước, thất thu suốt phải chuyển đổi sang trồng lạc, đỗ nhưng cũng không thành cuối cùng đành chuyển sang cây ăn quả. Cây mới bén rễ, lên xanh được một thời gian thì nhận được lệnh phá...

Túp lều dựng lên để trông cây

Xót của không chịu phá thì chồng chị Hương là anh Mai Việt Hùng - kế toán của HTX nông nghiệp xã bỗng dưng bị cho nghỉ việc từ tháng 8/2016. Có túp lều dựng tạm để trông coi khu chuyển đổi cũng không được phép nên bao nhiêu quả bị vặt tan tác hết. Cũng vì chuyện giữ khu chuyển đổi mà ở Tượng Lĩnh đã xảy ra không ít vụ cãi nhau hay xô xát. Có cán bộ đã cho dân thuê đất trồng cây rồi thấy lệnh trên ban xuống lại sốt sắng xông ra đòi, đòi không được thì sinh ra mâu thuẫn.

Bài viết liên quan

Tin nông nghiệp

27ha Tiêu bị héo khô

Máy sấy nông sản


Bài viết liên quan: