Chăn nuôi gia cầm, đừng nhầm lẫn giữa lượng nước đã sử dụng và lượng nước tiêu thụ


Lượng nước đã được sử dụng hoàn toàn khác với lượng nước đã được gia cầm hấp thụ. Những đánh giá, hiểu biết về sự khác biệt quan trọng này chính là yếu tố then chốt trong việc quản lý tốt hệ thống cấp nước trong chăn nuôi gia cầm.

Thật không may là hầu hết các chủ trang trại, công nhân, người phụ trách kỹ thuật hay kể cả các nhà sản xuất chăn nuôi gia cầm công nghiệp cũng thường không đánh giá cao hay không nhận ra sự khác biệt dù nhỏ nhưng quan trọng này, và do đó làm tổn hại đến kết quả sản xuất, chăn nuôi.

Lượng nước đã sử dụng = lượng nước đã được gia cầm hấp thu + lượng nước bị đổ ra ngoài (WU = WC + WS).

Lượng nước đã sử dụng (WU) chính là tổng lượng nước đổ vào hệ thống cấp nước như máng uống hay đường ống của cơ sở chăn nuôi gia cầm đó. Nước trong hệ thống cấp nước có thể rơi vào 2 trường hợp. Một là sau khi gia cầm uống, nước đó đi vào cơ thể gia cầm và được gọi là lượng nước đã được hấp thu (WC). Đồng thời với đó là một lượng nước nhất định bị đổ ra ngoài, không được tiêu thụ bởi gia cầm (WS).

Kích thước và cấu tạo của mỏ gia cầm giới hạn khả năng hấp thu nước.

Khi gia cầm mổ vào núm uống (như trong video bên dưới) nước trong đường ống bắt đầu chảy vào miệng chúng. Nếu thể tích lượng nước đi ra khỏi đường ống nhỏ hơn hoặc bằng thể tích miệng gia cầm thì nước được giữ lại trong miệng chúng và không bị tràn ra ngoài và ngược lại sẽ dẫn đến việc nước tràn ra ngoài.

Vì vậy, khi người chăn nuôi gia cầm kiểm tra lượng nước đi qua đồng hồ nước tức là lượng nước sử dụng cho cả cơ sở chăn nuôi đó – bao gồm cả lượng nước bị tràn ra ngoài.

Thiếu hiểu biết dẫn đến nhiều sai lầm nghiêm trọng trong chăn nuôi.

Các nhà sản xuất, chăn nuôi gia cầm biết rằng lượng nước tiêu thụ càng nhiều thì lượng thức ăn ăn vào càng tăng và gia cầm phát triển càng nhanh.

Nên nếu họ đo bằng đồng hồ sau đó tăng áp lực nước trong đường ống để mong tăng lượng nước hấp thu nhằm tăng nhanh trọng lượng gia cầm hơn thì vấn đề là: trừ khi mỏ gia cầm đã phát triển đáng kể về kích thước và có thể giữ lại tất cả lượng nước xả ra. Còn không thì người chăn nuôi gia cầm chỉ đang tăng lượng nước sử dụng chứ lượng nước mà gia cầm hấp thu thì thực tế có thể vẫn giữ nguyên.

Lượng nước đổ tràn ra ngoài càng nhiều thì tác dụng phụ càng lớn.

Mục tiêu toàn bộ nước sử dụng đều được gia cầm hấp thu 100% và không bị đổ ra ngoài là một mục tiêu phi thực tế, điều này sẽ không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên quản lý sao cho chỉ có khoảng 5% nước bị đổ ra ngoài thì sẽ tốt hơn là 15% hay 20%. Chúng ta không thể biết được tỷ lệ này thông qua đồng hồ đo nước mà chỉ có thể quan sát bằng mắt.

Người chăn nuôi gia cầm phải để ý, kiểm tra liên tục độ ẩm của lớp độn chuồng ngay phía dưới đường ống đồng thời điều chỉnh áp suất nước và chiều cao của đường ống phù hợp để hạn chế nước tràn ra ngoài.

Nước tràn ra ngoài gây ướt nền chuồng và làm tăng lượng amoniac trong chuồng nuôi. Khi gia cầm đi lại, nghỉ ngơi trên nền chuồng ẩm ướt đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tổn thương phần ngực, viêm da cũng như nhiều nguy cơ khác trong chăn nuôi và các vấn đề liên quan đến môi trường.

Xem thêm: Máy ấp trứng gia cầm, phương pháp ấp trứng

Tóm tắt một số lưu ý và sai lầm thường gặp trong chăn nuôi gia cầm:

Sai lầm: đồng hồ nước đo lượng nước tiêu thụ.

Sự thật: đồng hồ nước đo lượng nước sử dụng, bao gồm lượng nước tiêu thụ và lượng nước bị đổ ra ngoài.

Sai lầm: tăng lượng nước sử dụng sẽ làm tăng mức tiêu thụ nước.

Sự thật: Lượng nước tiêu thụ bị hạn chế bởi kích thước mỏ. xả nhiều nước hơn thể tích mỏ có thể chứa chỉ làm tăng lượng nước bị tràn ra ngoài mà thôi.

Sai lầm: lớp độn chuồng khô ráo có nghĩa là gia cầm cần nhiều nước hơn.

Sự thật: tích hợp của hệ thống thông gió, sưởi ấm…có thể che giấu việc nước bị tràn một cách đáng kể và giữ cho chuồng nuôi “khô ráo một cách giả tạo”.

Sai lầm: tốc độ và áp lực dòng nước trong đường ống là một chỉ số thích hợp để đánh giá hiệu quả hấp thu nước của gia cầm.

Sự thật: tốc độ hay dòng chảy của nước trong đường ống không thể giúp dự đoán được lượng nước mà gia cầm có thể hấp thu nên nó không thể là một chỉ số quản lý hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu rõ sự khác biệt giữa lượng nước sử dụng (WU) và lượng nước tiêu thụ (WC). Cụ thể: WU=WC+WS (trong đó WS là lượng nước bị tràn ra ngoài) trong chăn nuôi gia cầm.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng việc tăng lượng nước cung cấp cho trại bằng cách tăng áp lực nước trong đường ống không có nghĩa là gia cầm sẽ uống được nhiều nước hơn. Để biết được lượng nước mà gia cầm hấp thu có tăng hay không ta chỉ có thể dựa vào tần suất gia cầm mổ vào núm uống mà thôi.

Những con mổ nhiều nước hơn cả thể tích mỏ có thể chứa sẽ làm nước đổ ra ngoài nhiều hơn những con còn lại. Nếu nước tràn nhiều đến mức làm ướt cả lớp độn chuồng, nó sẽ tạo ra một môi trường không tốt cho sức khỏe của gia cầm (tăng amoniac, viêm da, tăng nguy cơ nhiễm bệnh, …). Giải pháp là chú ý tới tình trạng của lớp độn chuồng và quản lý áp suất nước theo từng bước nhỏ cho đến khi lớp độn chuồng có độ ẩm thấp (khoảng 25%), nghĩa là nước đổ ra ngoài ít hơn khi gia cầm uống nước.

Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn một chút chúng ta có thể thấy không phải cứ khi lượng nước bị đổ ra ngoài nhiều thì lớp độn chuồng sẽ ướt. Nhiệt độ và vật liệu làm chất độn chuồng khác nhau cũng có thể là các yếu tố giữ lớp độn chuồng luôn khô ráo. Đặc biệt là khi quạt thông gió hoạt động tốt vào mùa hè thì gần như bất kỳ lượng nước tràn nào cũng có thể nhanh chóng bốc hơi khiến cho lớp độn chuồng luôn khô ráo.

Khi nhìn thấy lớp độn chuồng khô ráo, các nhà quản lý, chăn nuôi gia cầm thường chủ quan cho rằng không có hiện tượng nước bị tràn ra ngoài, và họ cho rằng gia cầm đang thiếu nước, nhất là vào mùa hè. Vậy là họ tăng áp lực nước để cung cấp nhiều nước hơn cho gia cầm.

Như các bạn đã biết, đây là tư duy phản tác dụng. Tăng áp lực nước quá mạnh không đồng nghĩa với việc tăng lượng nước hấp thu. Như chúng ta đã đề cập ở trên, gia cầm chỉ có thể giữ được một lượng nước nhất định trong mỏ của chúng với mỗi lần uống. Nếu nước chảy ra quá nhanh và nhiều sau mỗi lần mổ vào núm uống thì sẽ làm tăng lượng nước chảy ra ngoài.

Gia cầm có thể uống thêm nhiều nước vào mùa hè vì nóng và khát chứ không phải vì mỏ của chúng đã phát triển lớn hơn trước đó. Vì vậy nên việc cần làm lúc này là đảm bảo sao cho mật độ, độ cao của núm uống cũng như tốc độ nước ở mức thích hợp vừa phải đảm bảo gia cầm có thể dễ dàng tìm và uống nước một cách dễ dàng khi cần.

Ok, lúc này bạn tiếp tục thắc mắc vậy nếu như chuồng trại vẫn khô ráo thì việc nước bị đổ ra ngoài gây hại gì cho gia cầm của tôi? Vì rõ ràng là chuồng trại không quá ẩm ướt đến mức làm tăng lượng amoniac. Có 2 hậu quả bạn có thể không khó để nhận ra, đó là:

- Một là chi phí hóa đơn tiền nước của bạn chắc chắn sẽ cao hơn.

- Hai là: chúng tôi nhận thấy thường các trang trại chăn nuôi gia cầm ít khi để ý và điều chỉnh lại áp lực nước khi những ngày nắng nóng đã hết. Nghĩa là khi thời tiết đã mát mẻ trở lại, lượng nước cung cấp cho gia cầm vẫn chưa kịp điều chỉnh cho phù hợp nên thường chuồng trại sẽ ẩm ướt một thời gian trước khi họ kịp nhận ra và điều chỉnh áp lực nước trở lại mức phù hợp.

Tóm lại, bạn nên theo dõi và điều chỉnh áp lực nước cho phù hợp theo mùa. Tốt nhất là bạn nên cẩn thận trong những tháng mùa đông khi mà hệ thống thông gió cũng không giúp được nhiều. Vào mùa hè, bạn có thể tăng áp lực nước lên một chút tùy nhu cầu nhưng không nên tăng quá mức cần thiết. Sau đó, khi thời tiết mát hơn, bạn cần chú ý điều chỉnh lại áp lực nước ở mức sao cho hiệu quả nhất để giảm thiểu tối đa thời gian gia cầm phải tiếp xúc với nước.


Bài viết liên quan: