Hiệp hội cà phê Việt Nam kêu gọi 4 bên cùng "chơi đẹp"


Việt Nam là đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhưng lợi nhuận thu được không cao do chất lượng cà phê Việt Nam chưa được tốt. Tại hội thảo trong lễ hội cà phê lần 6 diễn ra tại Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nói thẳng về tình trạng này.

Thu hái cà phê xanh là một trong nhiều nguyên nhân khiến hạt cà phê Việt Nam bị thế giới đánh giá xấu về chất lượng. 

Thu hoạch cà phê

Thu hoạch cà phê

Theo ông Tuấn, hạt cà phê Việt Nam xuất đi thế giới sẽ tăng gấp đôi giá trị, nông dân và cả doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhuận xứng đáng nếu các doanh nghiệp biết liên kết cùng nhau, bỏ kiểu làm ăn gian dối đang làm hạt cà phê Việt Nam ở vị thế “cửa dưới” khi đàm phán, tham gia thị trường quốc tế.

Đàm phán “ở cửa dưới”

Chia sẻ về thực trạng ngành cà phê Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đều thống nhất hiện Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tổng sản lượng, cà phê Việt đang được bán đi 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá trị Việt Nam được hưởng rất nhỏ.

“Với ngành cà phê, tôi nghĩ nếu làm ăn có tâm chút thì sẽ làm được. Chứ làm theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó, gian dối, cạnh tranh, chơi bẩn nhau thì mãi bị chèn ép khi ra thị trường thế giới” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Trong tổng giá trị đem lại của ngành cà phê thì cà phê nhân xô chiếm 10%. Dù làm ra hạt cà phê nhiều, nhưng Việt Nam chỉ nhận lại một phần trong khoảng 10% giá trị với số tiền khoảng 3 tỉ USD. Thực tế “phũ phàng” là dù không làm ra cà phê nhưng các “ông lớn” - các nhà rang xay trên thế giới - đều ở thế “cửa trên”, doanh nghiệp Việt Nam lại cơ bản luôn đứng ở “cửa dưới” khi tham gia đàm phán, thương thuyết. “Với những gì chúng ta đang có, đáng ra Việt Nam phải đứng ngang hàng khi đàm phán quốc tế. Nhưng để được như vậy phải có cách để hạt cà phê tốt, chất lượng” - chuyên gia Bạch Thanh Tuấn nói tại hội thảo.

Nhiều chuyên gia công nhận vẫn còn nhiều kiểu gian dối trong kinh doanh cà phê. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, tổng giám đốc Công ty cà phê Classic (Gia Lai), khẳng định vẫn còn doanh nghiệp vì hợp đồng và lợi nhuận của mình mà mua cà phê “bẩn”, chưa đạt chất lượng dẫn đến mất uy tín chung. Nhiều doanh nghiệp “ăn xổi”, chỉ mua ăn chênh lệch, chưa đầu tư vào vườn cà phê của nông dân. Đặc biệt, có tình trạng găm giá, biết có giá cao nhưng liên kết giữ giá mua thấp để triệt hạ doanh nghiệp nhỏ...

Theo ông Trần Đức Thanh - phó vụ trưởng Vụ kinh tế Ban chỉ đạo Tây nguyên, ngành cà phê mỗi năm tạo ra doanh thu khoảng 3 tỉ USD, năng suất cao gấp ba lần năng suất bình quân của thế giới. Nhưng đã hơn 100 năm có mặt, cà phê Việt Nam hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Chất lượng cà phê còn thấp, cà phê Việt Nam đa số xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị thu được chưa cao.

Đặc biệt, ông Thanh cũng nêu còn tình trạng doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh, chưa đặt lợi ích của nông dân lên khiến ngành cà phê Việt Nam chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, sấy khô cà phê, tiêu thụ, chưa tạo thành chuỗi...

Doanh nghiệp cần mua trực tiếp của nông dân

Ông Lương Văn Tự - chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam - cho biết hiện nay thị trường cà phê nhân đang được sàn London và New York dẫn dắt. Hạt cà phê Việt Nam khi tới hai sàn này chưa có thương hiệu nên bị rao bán với cùng loại cà phê của các nước khác, trong khi giá trị hạt cà phê của Việt Nam có thể cao hơn. Muốn sửa được “lỗi” này phải bắt đầu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, thu mua...

Ông Tự cho biết cà phê Việt Nam hiện nay 95% được trồng từ vườn của nông dân, thu gom thông qua đội ngũ thương lái. Thương lái cố tình khống chế cà phê theo yêu cầu của họ nên khi được các doanh nghiệp mua lại, chất lượng cà phê không đảm bảo, cà phê xanh nhiều, ra thị trường quốc tế bị đối tác chê. Thậm chí có khi 20% cà phê bị thải loại do không đảm bảo chất lượng, từ đó làm mất uy tín hạt cà phê Việt Nam.

Theo ông Tự, muốn hạt cà phê trở về đúng giá trị mà nông dân được hưởng thì phải đầu tư bài bản, truy xuất nguồn gốc. Nông dân phải được bán cà phê trực tiếp cho doanh nghiệp và doanh nghiệp khuyến khích nông dân trồng cà phê có chất lượng. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chuyển hướng từ sơ chế qua rang xay, đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường quốc tế, từ đó quảng bá chất lượng cà phê của mình, khẳng định tên tuổi bằng chất lượng.

“Nếu làm được như vậy thì bằng bán hàng rang xay, giá trị mà chúng ta được nhận lại sẽ cao gấp 2 lần so với bây giờ” - ông Tự nói. Ông Tự cũng cho biết về phần trách nhiệm của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, sắp tới hiệp hội sẽ ngồi lại để tái cơ cấu toàn diện ngành cà phê, rà soát tất cả vấn đề để từ đó nhìn nhận lại, tìm ra hướng đi cho ngành cà phê Việt Nam được trả về đúng giá trị xứng đáng.

Chỉ cần bắt tay với nhau...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định giá trị của ngành cà phê Việt Nam sẽ tăng lên nhiều lần nếu “bốn nhà” (gồm doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và Nhà nước - PV) chịu ngồi lại và bắt tay với nhau. Hướng đi của ngành cà phê tương lai phải là tận dụng khoa học công nghệ để sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận.

Chính quyền, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ quy trình thu hái, phân loại cà phê ngay từ khâu đầu tiên. Doanh nghiệp nào “làm ăn xấu”, chính quyền công khai lên phương tiện thông tin đại chúng. “Nếu không bỏ được tật chơi xấu thì đừng nói đến chuyện cạnh tranh. Doanh nghiệp nào cũng chỉ đặt lợi ích của mình mà không hợp tác, chia sẻ với đối tác, nông dân thì không thay đổi được” - ông Tuấn nói.

Bài viết liên quan

Trồng lúa theo mô hình hữu cơ

Máy sấy khô cafe


Bài viết liên quan: