Mô hình nuôi tôm - lúa đang vực dậy ngành tôm


Nước ta có nhiều loại hình khí hậu theo các vùng địa lý khác nhau nên có nhiều các loại hình nông nghiệp khác nhau. Các địa phương có những vật nuôi khác nhau, tùy theo thế mạnh riêng của mình đã có những cải tiến trong quy trình chăn nuôi để đạt được sản lượng tốt nhất có thể. Để đáp ứng cung ứng thị trường hiện nay, ngành tôm đang cần những quy trình nuôi hiệu quả để vực dậy.

Kiên Giang là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm cả nước và được biết đến là mảnh đất lành đối với mô hình lúa – tôm. Đặc biệt, vài năm trở lại đây với mô hình “Tôm – lúa quản lý cộng đồng” ra đời, hình thức nuôi tôm - lúa của tỉnh đã được thổi làn gió mới. Tôm – lúa quản lý cộng đồng Tôm – lúa quản lý cộng đồng là mô hình liên kết nông dân thành tổ, đội sản xuất, tương trợ lẫn nhau, giúp bà con nâng cao ý thức trong thực hiện lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, tập trung, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan trong quá trình thả nuôi. Mô hình nuôi tôm, luân canh trồng lúa (tôm – lúa) quản lý cộng đồng do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang xây dựng và chuyển giao cho nông dân thực hiện đã được vài năm nay. Cho đến nay, tạo sức lan tỏa tại các huyện vùng U Minh Thượng (vùng nuôi quảng canh tôm - lúa của tỉnh).

Hiệu quả rõ nhất mà mô hình mang lại là người nuôi có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau, giúp giảm chi phí đầu tư, ít ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra, năng suất cao hơn hẳn so với bình quân chung của tỉnh. Là người đã theo đuổi mô hình tôm - lúa gần 20 năm qua và tham gia mô hình quản lý cộng đồng từ rất sớm, ông Ba Đông (Trương Văn Đông, ở ấp Tám Biển 2, xã Thuận Hòa, An Minh) đánh giá: “Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, cả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Trước đây, khi chưa tham gia dự án nông dân ở đây mạnh ai nấy làm, có người thả nuôi trước lịch thời vụ khuyến cáo cả tháng. Trong khi đó, cả ấp chỉ có một con sông duy nhất vừa là nơi lấy nước vào nuôi vừa là nơi xả thải. Vì vậy, nếu những hộ “xé rào” thả nuôi trước bị dịch bệnh rồi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì những hộ lấy nước vào nuôi sau coi như lãnh đủ. Tham gia dự án nuôi tôm quản lý cộng đồng, nông dân được tập huấn kỹ về kỹ thuật, từ cách xây dựng ao nuôi, đến khâu cải tạo môi trường, chọn con giống, chăm sóc, đặc biệt là có sự tương trợ lẫn nhau”. Mô hình nuôi tôm quản lý cộng đồng giúp giảm chi phí, hạn chế rủi ro, tăng năng suất.

nuôi tôm lúa kết hợp

(Trong ảnh: Thu hoạch tôm nuôi trong mô hình tại hộ ông Ba Đông, huyện An Minh)  

ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, để tham gia mô hình, nông dân sẽ được tập huấn và phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, quy mô diện tích từ 1-2 ha trở lên, đê bao quanh ruộng rộng từ 3-4 m, diện tích đường mương chiếm 25-30% và phải có ao lắng và ao vèo con giống riêng (chiếm khoảng 30% tổng diện tích thả nuôi). Đồng thời nâng cao trình độ chăm sóc, quản lý trong nuôi tôm, từ đó làm tăng năng suất tôm, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Qua dự án, sẽ xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho mô hình luân canh tôm - lúa để khuyến cáo nông dân áp dụng, nhân rộng ra toàn vùng. Theo ông Kiên, để tạo sức lan tỏa, mô hình sẽ được xây dựng theo hình thức chuyển giao mở, mỗi năm làm ở một địa phương khác nhau. Tức là mô hình sẽ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hỗ trợ thực hiện xuyên suốt qua 1 vụ tôm và 1 vụ lúa (1 năm). Sau đó, sẽ tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả và chuyển giao cho nông dân tự triển khai thực hiện ở các năm tiếp theo. Nhờ đó, đến nay tại các huyện vùng U Minh Thượng như: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận đều đã được phủ kín mô hình này. Nông dân rất tích cực tham gia, nhân rộng vì hiệu quả nhiều mặt mà mô hình mang lại.  

Nuôi khép kín hai giai đoạn Tại Cà Mau, khoảng 5 năm nay mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp phát triển rất nhanh. Sau buổi hoàng kim vào thời gian đầu, giai đoạn gần đây từ những tác động của thời tiết, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường đất do canh tác nhiều năm liền đã khiến bà con nuôi tôm lao đao. Từ thực tế đó, để giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới, thích ứng nhanh với sự biến động của thời tiết, dịch bệnh... Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã nghiên cứu “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”. Mô hình đã được thực nghiệm trên nhiều hộ dân, mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm. Quy trình nuôi tôm khép kín theo hai giai đoạn không khó làm và đã chứng minh được hiệu quả  

Gia đình ông Ngô Minh Hiểu (ấp Cống Đá, xã Phú Tân, huyện Phú Tân) có gần 1 ha đất nuôi tôm công nghiệp. Những năm qua, ông đã nếm trải không ít thất bại. Năm 2016, ông Hiểu được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau hướng dẫn thực hiện “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”. Sau thời gian nuôi khoảng 3,5 tháng, gia đình ông thu hoạch tôm đạt cỡ 35 con/kg, sản lượng 9 tấn. Lợi nhuận ước đạt trên 630 triệu đồng/vụ.

Ông Hiểu chia sẻ, làm theo quy trình này về quản lý kỹ thuật cũng không khác nhiều so với cánh ông làm trước đây. Khác biệt lớn nhất chính là bà con phải đầu tư cả một hệ thống ao lắng, ao vèo tốn rất nhiều diện tích đất. Cụ thể, gia đình ông Hiểu phải tận dụng diện tích 1,5 ha vuông nuôi quảng canh để làm ao lắng thô. Bên cạnh đó, ông phải cắn răng bỏ ra thêm 2.300 m2 nuôi tôm công nghiệp trước đây để làm ao lắng xử lý nước (ao cấp nước) và 3.000 m2 làm ao chứa thải.

Nuôi tôm kết hớp lúa nước

Thu hoạch tôm

Diện tích ao nuôi thực tế của gia đình chỉ còn 2 ao với diện tích mỗi ao khoảng 1.500 m2 và ao vèo diện tích 400m2. Nguồn nước ban đầu được lấy vào ao lắng thô, sau đó chuyển qua ao cấp nước mới được lấy vào ao vèo. Con giống bắt về được thả nuôi trong ao vèo khoảng 30 ngày. Giai đoạn này, tôm non được quản lý rất chặt. Diện tích ao vèo không quá lớn nên rất dễ kiểm soát, tránh được hiện tượng tôm chết sớm.

Sau đó, gia đình ông Hiểu mới lấy nước từ ao cấp nước vào ao nuôi rồi tiến hành cho tôm từ ao vèo qua thả nuôi. Trong quá trình đó, mỗi ngày ông Hiểu đều tiến hành xả bớt lượng nước trong ao nuôi qua ao chứa thải, rồi bổ sung nguồn nước sạch trong ao cấp nước vào để đảm bảo môi trường nước. Vấn đề cấp và xả bớt nước sẽ phải tùy theo giai đoạn tôm lớn hay nhỏ, nguồn thức ăn cung cấp nhiều hay ít và môi trường nước ở mức độ nào. Anh Trương Nhựt Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cũng là một trong những người làm theo quy trình trên, đánh giá:

Cái hay của quy trình nuôi này chính là hệ thống ao nuôi bổ trợ cho nhau. Ao lắng thô bước đầu giúp điều tiết nguồn nước để lấy vào ao cấp nước, sau đó xử lý mới được cung cấp cho ao nuôi và ao vèo. Nước trong ao nuôi được thải ra ao chứa thải, tại đây được lắng đọng lại cho trở về ao lắng thô và lại được dùng ngược lại. Đây là một quy trình nuôi khép kín, không chỉ giúp tiết kiệm nguồn nước mà còn giúp quản lý dịch bệnh, môi trường nuôi rất tốt.

Cũng nhờ làm theo “Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao”, vụ mùa vừa qua, gia đình anh Thành ước thu hoạch đạt sản lượng gần 13 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng trên diện tích nuôi công nghiệp 1,2 ha (không tính diện tích vuông tôm quảng canh dùng làm ao lắng thô) của gia đình. Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho biết: Đây là quy trình nuôi tôm khép kín theo hai giai đoạn. Quy trình giúp người dân quản lý rất tốt vấn đề môi trường, tạo điều kiện lý tưởng để tôm nuôi phát triển. Đặc biệt, giúp người dân rút ngắn được thời gian nuôi. Khi bà con chuẩn bị thu hoạch tôm, người dân hoàn toàn có thể chuẩn bị giống trong ao vèo trước để nối tiếp vụ. Đối với cách nuôi này, tốn khá nhiều diện tích đất, chính vì vậy người dân thường bỏ đi ao lắng thô, ao xả thải để tận dụng diện tích nuôi. Đây là sai lầm rất lớn, chúng tôi khuyến cáo người dân phải làm theo đúng quy trình để giảm thiểu rủi ro.

Bài viết liên quan

Sấy tôm khô

Heo chết không rõ nguyên nhân

Quy trình nuôi vịt từ 1-4 tuần


Bài viết liên quan: