Sưng phù đầu trên gà do APV (Avian pneumovirus) gây ra


Gà bị sưng phù đầu, mắt và chảy dịch rất giống với Coryza nhưng điều trị theo phác đồ Coryza không khỏi.

Thực trạng trên thị trường về hiện tượng gà bị sưng phù đầu

Từ đầu năm 2017 đến nay, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của các độc giả từ khắp nơi trên cả nước thắc mắc về trường hợp gà bị sưng phù đầu, mắt và mũi chảy dịch rất giống với Coryzanhưng điều trị theo phác đồ coryza không khỏi.

 Ảnh 1: gà sưng mặt, mắt sưng chảy nước dịch
Ảnh 1: gà sưng mặt, mắt sưng chảy nước dịch

Điều đáng lo ngại là mật độ xuất hiện của những trường hợp trên thì ngày càng nhiều và nhiều người chăn nuôi cũng như các bác sỹ thú y thì đang rất mơ hồ và chưa biết phải xử lý như thế nào khi gặp phải những trường hợp như trên.

Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi đã tiến hành điều tra thị trường và được biết nguyên nhân gây ra hiện tượng sưng phù đầu trên gà  thực sự không phải là coryza mà là do virus APV ghép với vi khuẩn Ecoli gây ra. Vậy cụ thể nó là bệnh gì?

Để giúp bà con chăn nuôi có thêm thông tin và chủ động hơn trong thực tế, chúng tôi sẽ giải đáp các thắc mắc sau:

  1. APV là bệnh gì?
  2. Làm sao để biết gà nhà mình có bị bệnh hay không?
  3. Phân biệt APV với các bệnh gây sưng phù đầu khác (ORT, Coryza, ILT)?
  4. Làm gì khi trại xuất hiện bệnh?
  5. Cách phòng bệnh chủ động cho gà khỏi APV?

1. APV là bệnh gì?

APV hay còn gọi là Avian pneumovirus , là một ARN virus gây bệnh trên đường hô hấp cho gà ở mọi lứa tuổi và đặc biệt là gây bệnh trên gà tây.

APV được mô tả lần đầu tiên trên gà tây vào cuối năm 1970 tại Nam Phi, sau đó người ta phát hiện APV có mặt trên mọi loại gà chứ không chỉ riêng gà tây.

Từ trước đến nay, nói đến sưng phù đầu đa phần bà con chăn nuôi chúng ta chỉ nghĩ đến bệnh Coryza hay do vi khuẩn Ecoli. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc gà bị sưng phù đầu, mặt và mắt, trong đó có virus APV.

Mật độ nuôi thả cao và quản lý chuồng trại kém là những nguyên nhân chính dẫn đến việc lây lan mầm bệnh một cách nhanh chóng.

Bệnh có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, có thể lên tới 100%. Tỷ lệ chết tùy thuộc vào mầm bệnh kế phát.

2. Làm sao để biết đàn gà nhà mình có bị bệnh hay không?

Gà con: Tăng trưởng chậm.

Gà thịt trưởng thành:

Các dấu hiệu lâm sàng ban đầu thường xuất hiện ở đường hô hấp trên như:

- Run đầu, phù da đầu.

- Thở nhanh, khó thở, ho, âm rale khí quản.

- Chảy nước mắt, nước mũi, mắt híp.

- Gà gầy yếu.

Trường hợp nặng là khi APV ghép với vi khuẩn E.coli sẽ gây ra hội chứng phù đầu (Swollen head syndrome – SHS). Hội chứng này thường xuất hiện trên gà hơn 4 tuần tuổi và đặc trưng bởi các dấu hiệu hô hấp và thần kinh như:

- Vẹo cổ.

- Đi lại khó khăn.

- Lắc đầu, sưng phù đầu, mặt và mắt.

Gà đẻ: 

- Buồng trứng vỡ, teo, biến dạng…nên chất lượng vỏ trứng giảm (nhạt màu hơn, vỏ mỏng, dị dạng...)

- Sản lượng trứng giảm từ 5 – 30%.

Gà giống:

- Tỉ lệ nở giảm 5 – 10%.

- Chất lượng gà con giảm.

Thời gian ủ bệnh của APV chỉ trong khoảng 3 ngày. Khi mới nhiễm bệnh gà gần như không có biểu hiện nào rõ rệt. Tỷ lệ tử vong cao và thường là do các mầm bệnh kế phát.

Bảng 1: Chẩn đoán phân biệt APV với các bệnh tương tự
Ảnh 2: Gà bị sưng phù đầu mắt chảy dịch

 3. Phân biệt APV trên gà với các bệnh gây sưng phù đầu khác.

Biểu hiện triệu chứng của APV rất giống với các bệnh trên đường hô hấp khác của gà như Coryza, Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT), ORT hay Viêm phế quản truyền Nhiễm (IB). Bởi vậy nên trong thực tế rất nhiều người chẩn đoán nhầm dẫn đến việc điều trị không hiệu quả.

Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh chúng ta chỉ còn cách gửi gà ốm đến các trung tâm chẩn đoán mà thôi.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dựa vào 1 số biểu hiện triệu chứng cũng như bệnh tích khi mổ khám để phân biệt sơ bộ APV với 4 bệnh tương tự là Coryza, ILT, ORT và IB như sau.

bảng bệnh tích sưng phù đầu ở gà

Bảng 1: Chẩn đoán phân biệt APV với các bệnh tương tự

4. Làm gì khi trại xuất hiện gà nhiễm virus APV gây hiện tượng sưng phù đầu?

Nếu thấy đàn gà có dấu hiệu giảm ăn, mệt mỏi, ủ rũ, lông xơ xác, đầu, mặt và mắt sưng, chảy dãi nhưng điều trị theo phác đồ của bệnh Coryza không khỏi → có thể gà đã nhiễm virus APV. Khi đó ta nên tiến hành các bước như sau:

Bước 1: Cách ly toàn bộ những con ốm, ủ rũ ra một chỗ riêng để tiện chăm sóc và theo dõi, càng cách xa khu chuồng chính càng tốt. 

Bước 2: Làm sạch toàn bộ dụng cụ chăn nuôi trong trại. Vệ sinh sạch sẽ, phun sát trùng toàn bộ khu vực trong và xung quanh chuồng nuôi.

Bước 3: Điều trị triệu chứng – tức là phụ thuộc vào các bệnh kế phát tại thời điểm đó gây ra các triệu chứng gì mà chọn thuốc, biện pháp phù hợp để loại bỏ triệu chứng đó.

Ví dụ: gà sốt → dùng thuốc hạ sốt. Gà tiêu chảy thì phải bổ sung thêm điện giải và bù nước để tránh mất nước đồng thời dùng các thuốc cầm tiêu chảy

Bước 4: Sử dụng kháng sinh hoạt phổ rộng tiêm cho những con bên ô cách ly và trộn (hoặc pha) kháng sinh bột vào trong thức ăn (nước uống) cho toàn bộ đàn gà.

Các trại có thể sử dụng kháng sinh Amoxyline kết hợp với Doxicycline. Liệu trình mỗi đợt điều trị chỉ nên kéo dài khoảng 3-5 ngày (nếu không, dùng kháng sinh lâu quá sẽ làm gà mệt).

Lưu ý: Vì APV là virus nên không có thuốc nào có thể giúp tiêu diệt được mầm bệnh APV trong cơ thể gà cả mà chúng ta chỉ có thể dùng kháng sinh để hạn chế các mầm bệnh kế phát mà thôi. Hơn nữa, đa phần gà chết là do các mầm bệnh kế phát chứ không phải do APV.

APV thường gây kế phát với 1 số vi khuẩn như: Ecoli, Trực khuẩn ho gà, Tụ huyết trùng, trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas), ORT.

Bước 5: (làm đồng thời với bước 3,4): tăng sức đề kháng cho gà bằng các thuốc giải độc + bổ gan thận, vitamin ADE, vitamin C, men tiêu hóa…

Lưu ý: Chăm sóc cẩn thận, không để gà bị lạnh, đói, khát. Thường thì sau khi hoàn thiện 5 bước trên khoảng 10-12 ngày thì đàn gà bệnh sẽ phục hồi khỏe mạnh trở lại.

5. Cách phòng bệnh chủ động để gà không nhiễm APV?

Ngoài việc luôn luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh an toàn sinh học theo quy trình ra thì chúng ta có thể dùng vaccine để kiểm soát APV.

Hiện nay trên thị trường, theo như chúng tôi được biết là chỉ có một vài công ty có vaccine APV. Tuy nhiên, vaccine có hiệu quả hay không thì lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chất lượng vaccine cho đến cách sử dụng vaccine, sức khỏe con vật…cho nên các bạn cần lưu ý:

1. Trong trường hợp của trang trại mình thì liệu có nên làm vaccine hay không? Điều này phụ thuộc vào dịch tễ và kinh nghiệm của người chủ trang trại đánh giá xem mức độ phơi nhiễm (nguy cơ nhiễm bệnh) của trại với APV có cao không.

2. Không nên chủ quan cho rằng mình đã làm vaccine rồi thì gà không thể bị bệnh được. Mọi khả năng đều có thể xẩy ra.

Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến APV mà chúng tôi cho rằng sẽ hữu ích đối với không chỉ bà con chăn nuôi mà còn cả với những người làm chuyên môn. Hy vọng nó giúp cho các bạn chủ động hơn trong thực tế chăn nuôi, chúc các bạn chăn nuôi thành công!

Xem thêm:

Bệnh trên gà

Chăn nuôi gà

Ấp trứng gà

Máy ấp trứng gà


Bài viết liên quan: