Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn


Trong khi nhiều hộ chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng lao đao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh thì các tổ viên trong Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn, (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) lại “ăn nên làm ra”.

Hiệu quả từ tổ hợp tác

Kể lại quá trình chăn nuôi gà đẻ, ông Cao Hoài Cuộc, 64 tuổi, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước vẫn nhớ những năm trứng gà tồn đọng, xếp đầy nhà chờ thương lái đến mua nhưng từ khi tham gia tổ hợp tác, ông Cuộc không còn lo lắng như trước bởi thương lái đến thu mua mỗi ngày. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định. Ông Cuộc nuôi gà đẻ từ năm 2005 với số lượng gần 2.000 con. Những năm đó, trung bình, ông bán cho thương lái tự do 1.500 trứng/ngày. Mãi đến năm 2014, khi tham gia Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn, ông mạnh dạn tăng đàn lên 6.000 con. Hiện tại, với khoảng 5.000 trứng bán ra thị trường mỗi ngày, ông Cuộc có thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng.

nuôi gà trứng

Với hệ thống chuồng trại được đầu tư sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật hiện đại, Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả

“Vì giá lên, xuống theo thị trường nên thu nhập lúc cao, lúc thấp nhưng so với thời gian trước, đầu ra bây giờ ổn định. Hơn nữa, trứng gà cũng đạt chất lượng hơn vì tôi áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại”- ông Cuộc cho biết thêm. Không riêng gì ông Cuộc, hầu hết các tổ viên khi tham gia vào tổ hợp tác đều mạnh dạn tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư chuồng trại có nguồn thu nhập khá.

Nếu như trước đây, nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân bấp bênh vì chăn nuôi nhỏ, lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi thì bây giờ, mỗi năm, ông có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Theo ông Tuấn, năm 2014, khi mới tham gia tổ hợp tác, ông nuôi 2.500 con gà đẻ trứng. Thấy làm ăn hiệu quả nên ông tăng đàn và hiện tại có 5.500 con. Đàn gà nuôi trong trang trại có hệ thống làm mát và được chăm sóc kỹ nên việc chăn nuôi duy trì được hiệu quả.

Cũng nhờ liên kết

Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn – Lê Văn Chôm cho biết: “Khi mới thành lập, tổ hợp tác có 13 hộ tham gia với tổng đàn khoảng 30.000 con gà. Hiện nay, số tổ viên tăng thêm 3 hộ; tổng đàn cũng tăng và hiện tại có 80.000 con, mỗi ngày cho ra thị trường gần 65.000 trứng”.

Cũng theo ông Chôm, lúc đầu tổ thành lập với ý định cùng nhau chống trộm bởi, những năm đó, mỗi đêm, có gần 100 con gà bị trộm nên những người chăn nuôi liên kết để theo dõi và kịp thời báo tin khi có dấu hiệu trộm xảy ra. Từ đó, ngoài liên kết chống trộm, mọi người bàn nhau tiến đến liên kết kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm để chăn nuôi hiệu quả.

Ông Cao Hoài Cuộc kể lại: “Những ngày đầu thành lập, các tổ viên cùng bàn bạc, tìm hiểu thị trường và thống nhất hướng đi cho tổ hợp tác. Nắm bắt những sản phẩm sạch được tin dùng trên thị trường nên các tổ viên tìm hiểu, thực hiện quy trình sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ vững đầu ra cho sản phẩm”.

nuôi gà ao gòn

Thế rồi, những chuồng trại chăn nuôi được xây dựng khang trang với mái lợp tole, có hệ thống phun sương hoặc làm mát tự động. Ngoài ra, quy trình chăn nuôi cũng bảo đảm an toàn, không sử dụng chất cấm, kháng sinh, sử dụng nước uống hợp vệ sinh. “Từ ngày tham gia tổ hợp tác, nguồn thức ăn được hỗ trợ mua từ các đại lý hoặc công ty bảo đảm an toàn, chất lượng nên sản phẩm trứng gà cũng đạt yêu cầu. Còn lúc trước, khi chăn nuôi nhỏ, lẻ, tôi mua thức ăn ở chợ, có lẫn nhiều loại tạp nên chất lượng trứng không đều như hiện tại”- ông Cuộc nói.

Tham gia tổ hợp tác, các tổ viên còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi. Theo Chôm, con giống được mua ở những trại giống lớn, mang về ươm theo đúng quy trình mà cán bộ thú y hướng dẫn. Việc tiêm phòng dịch bệnh thực hiện thường xuyên, đúng lịch trình để bảo đảm gà không nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng và địa phương cũng tạo điều kiện cho tổ viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để nắm bắt và áp dụng hiệu quả. Vào mỗi tháng, tổ hợp tác đều họp, trao đổi kỹ thuật, thông tin giá cả, thị trường đến các tổ viên.

Hiện tại, trứng gà của tổ hợp tác được tiêu thụ ổn định tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các công ty cung cấp suất ăn tập thể, trường học và một số cơ sở trứng ở TP.HCM với giá thị trường. “Giá trứng tuy có lúc đạt cao – 1.900 đồng/trứng và cũng có lúc thấp, chỉ 1.000 đồng/ trứng nhưng với đầu ra ổn định, người chăn nuôi trong tổ vẫn an tâm vì không bị tồn đọng, khó bán” – ông Chôm cho biết thêm.

Chăm sóc gà đẻ công nghiệp

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân, huyện Cần Đước – Nguyễn Thị Trinh thông tin: “Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn là mô hình kinh tế tiêu biểu ở địa phương, là điểm sáng của kinh tế tập thể cần nhân rộng, tiến đến thành lập hợp tác xã. Ngoài việc mang đến nguồn thu nhập ổn định, giúp tổ viên nâng chất đời sống kinh tế, tổ hợp tác còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đặc biệt, trong lúc giá gà thịt, trứng gà có nhiều biến động như hiện nay, người chăn nuôi nhỏ, lẻ phập phồng vì đầu ra thì tổ hợp tác này vẫn đứng vững. Đây là minh chứng hiệu quả của việc sản xuất có liên kết, tuân thủ quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt”.

Với hướng đi đúng, Tổ Hợp tác nuôi gà đẻ công nghiệp Ao Gòn ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhỏ, lẻ thành kiểu sản xuất có liên kết với quy mô lớn, nâng cao giá trị nông sản.


Bài viết liên quan: