Phát triển thương hiệu gà đồi Sóc Sơn bền vững


Là một huyện ngoại thành, cách trung tâm thành phố Hà Nội 35km về phía Bắc, huyện Sóc Sơn với 7 xã thuộc vùng đồi gò, có địa thế cao ráo, diện tích khá rộng, cây cối xanh mát, nền đất chắc chắn và nguồn nước ngọt trong, an toàn. Với những ưu đãi về vị trí địa lý tự nhiên, cùng khí hậu trong lành, mang đến cho vùng đất nhiều lợi thế trong việc phát triển chăn nuôi và đặc biệt là triển khai mô hình nuôi gà chăn thả.

Trang trại gà

Trước đây trên địa bàn huyện, các hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều nuôi gà thả đồi với quy mô từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa thống nhất quy trình chăn nuôi chung, chưa có kế hoạch phát triển định hướng theo chuỗi giá trị (như cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm…). Chăn nuôi, tiêu thụ đa số theo hình thức bán chăn thả, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu qua thương lái chưa có bao gói, dán tem nhãn nhận diện.

Từ năm 2016 đến nay, bước đầu đã hoàn thiện, phát triển chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Sóc Sơn tới thị trường và nhận được kết quả khả quan hơn mong đợi. Với sự quản lý điều hành của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt trên 100.000 con, cung cấp cho thị trường khoảng trên 300kg thịt mỗi ngày với nguồn thịt đảm bảo an toàn, thực phẩm với nhãn hiệu “Gà đồi Sóc Sơn”. Hiện nay, các sản phẩm này đang được tiêu thụ chủ yếu thông qua các cửa hàng tiện ích và một số nhà hàng trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Quy trình chăn nuôi, quy chế quản lý và chất lượng sản phẩm chung của chuỗi đều được các thành viên tham gia tuân thủ nghiêm túc, chặt chẽ. Thời điểm này đã có 01 cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP với công suất 300-500 con/ngày phục vụ cho việc tiêu thụ sản phẩm của chuỗi bằng sản phẩm thịt gà có bao gói, dán tem nhãn. Các điểm bán và giới thiệu sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể gà đồi Sóc Sơn, đây vừa là kênh phân phối, vừa là nơi tuyên truyền về sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng.

Mô hình hoạt động theo chuỗi chăn nuôi tiêu thụ gà đồi của huyện Sóc Sơn với mục tiêu hàng đầu là sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm tuyệt đối ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, không có tồn dư kháng sinh và hóc môn tăng trưởng, nuôi chăn thả với mật độ phù hợp theo quy định, ổn định giá góp phần bảo đảm quyền lợi cho người chăn nuôi và đặc biệt là lợi ích, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chia sẻ với Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam về phát triển thương hiệu gà đồi Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hiệp hội gà Sóc Sơn cho biết, việc thực hiện chuỗi liên kết các tác nhân từ sản xuất con giống, nguyên liệu đầu vào, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, kiểm soát, nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế cho chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, phát huy tốt lợi thế vốn có của địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Những sản phẩm gà thịt được đánh giá là ổn định chất lượng, phù hợp về chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng, hương vị thơm, ngọt tự nhiên của sản phẩm, đáp ứng phần lớn thị hiếu của người tiêu dùng.

Các thành viên tham gia chuỗi sẽ có lịch sản xuất cụ thể, giảm thiểu sự tập trung sản xuất theo mùa vụ như trước đây, giúp ổn định nguồn hàng và thực hiện quy trình chăn nuôi chung sẽ mang lại chất lượng sản phẩm ổn định; đồng thời, việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, biến động tăng, giảm đàn, công tác thú y được theo dõi chặt chẽ, đơn giản hơn. Giá bán tại cổng trại được nâng lên, lợi nhuận chăn nuôi tốt hơn, giá sản phẩm đến người tiêu dùng giảm, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Hiện tại, hoạt động tiêu thụ sản phẩm các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định, thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng, trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Nhãn hiệu gà đồi Sóc Sơn đã chính thức được sử dụng cho các sản phẩm khi đưa ra thị trường, tạo được uy tín của thương hiệu với các đối tác phân phối và người tiêu dùng. Đây là một trong những mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi thành công, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng liên kết tạo thành chuỗi giá trị.

Những hướng đi táo bạo, nghiêm túc

Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình phát triển nhãn hiệu gà đồi, lãnh đạo địa phương cùng bà con nhân dân huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục hoàn thiện chuỗi theo từng giai đoạn, thời kỳ phù hợp với thực trạng sản xuất, tiêu thụ trong những kế hoạch tiếp theo. Chú ý hơn đến năng lực quản lý điều hành chuỗi của các đơn vị, tổ chức và lựa chọn thành viên tham gia vào các khâu chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh bảo đảm thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, việc tập huấn đào tạo hướng dẫn, giám sát tạo quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh của chuỗi, bảo đảm sản phẩm đầu ra đạt chuẩn ATTP, kiểm soát được các mối nguy cơ gây mất ATTP tại từng khâu.

Công tác tuyên truyền, kết nối từ đầu vào cho chuỗi (thức ăn, thuốc thú y, con giống…) tới đầu ra (doanh nghiệp tiêu thụ, cửa hàng tiện ích, nhà phân phối, bán lẻ, nhóm tiêu thụ online…). Quá trình sản xuất, tiêu thụ đều được tài liệu hóa bằng ký kết các biên bản hợp tác, hợp đồng mua, bán, bao tiêu sản phẩm với số lượng ổn định, lập kế hoạch cụ thể đến từng hộ chăn nuôi để đảm bảo có sản phẩm tiêu thụ ổn định.

Trong thời gian tới, các trại chăn nuôi tham gia chuỗi sẽ xây dựng cơ sở chăn nuôi tự công bố quy trình chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hồ sơ công bố phù hợp quy định ATTP, các khâu sản xuất, truy xuất hàng hóa thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát.

Kết nối với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm thịt gia cầm trực tiếp ký hợp đồng với hộ chăn nuôi. Tăng cường sản xuất thịt mát, thịt cấp đông bảo đảm ATTP cung cấp cho người tiêu dùng, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, các cơ sở giết mổ kết nối chặt chẽ với hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể hơn nữa.

Chú ý hơn trong công tác kết nối, liên kết với các doanh nghiệp và cửa hàng tiêu thụ sản phẩm vì đây chính là tác nhân đóng vai trò quan trọng trong việc mang sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng. Nhãn hiệu tập thể Gà đồi Sóc Sơn cũng cần phải khai thác sử dụng rộng hơn, có hiệu quả hơn.

Thông qua hình thức du lịch, hội chợ, các chuyến thăm quan tiêu dùng để kết nối rộng rãi giới thiệu sản phẩm đến với nhiều thị trường khác.

Điểm quan trọng nữa trong công tác triển khai hướng đi vững bền, đó là cần có sự quan tâm, tham gia, vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức, doanh nghiệp của địa phương. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai, kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Để tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu uy tín trong nền kinh tế thị trường như hiện nay. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm mang đến sân chơi bình đẳng, đúng pháp luật, quy định. Xử lý nghiêm minh, thậm chí truy tố hình sự đối với trường hợp sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn, không đảm bảo chất lượng đặc biệt sản phẩm gây nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.


Bài viết liên quan: