Kỹ thuật ấp trứng gà, tổng hợp các cách ấp trứng phổ biến hiện nay


Gà là loại gia cầm được nuôi rất phổ biến ở nước ta. Các hộ gia đình nuôi gà thường có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật ấp trứng gà để có thể tự ấp trứng đảm bảo được nguồn gà chất lượng. Tuy nhiên, kỹ thuật ấp trứng gà cũng chia làm nhiều loại như ấp bằng phương pháp ấp nở tự nhiên, ấp trứng gà bằng bóng đèn và ấp trứng gà bằng máy ấp trứng. Trong bài viết này, Mactech sẽ hướng dẫn các bạn kỹ thuật ấp trứng gà bằng cả 3 phương pháp trên cùng những ưu nhược điểm của các phương pháp này.

Điều kiện thích hợp để trứng gà phát triển tốt

Trước khi tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật ấp trứng gà bằng các phương pháp khác nhau, các bạn cần hiểu về điều kiện thích hợp để trứng gà (có phôi) có thể phát triển thành gà con. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về quy trình ấp và có những điều chỉnh hợp lý trong trường hợp gà không nở, nở sớm hay nở muộn. Điều kiện thích hợp để trứng gà phát triển tốt gồm có các yếu tố sau:

  • Nhiệt độ: nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất giúp phôi phát triển tốt. Đối với mỗi loại trứng khác nhau nhiệt độ này sẽ khác nhau và đối với trứng gà thì nhiệt độ thích hợp nhất để phôi phát triển là từ 37,5 - 37,8 độ C. Nếu nhiệt độ thấp quá phôi sẽ không phát triển được. Nếu nhiệt độ cao gà sẽ nở sớm dẫn đến chất lượng gà con kém. Nếu nhiệt độ quá cao (trên 40 độ C) thì chỉ cần duy trì trong khoảng 2 giờ sẽ chết phôi. (Xem thêm)
  • Độ ẩm: để phôi phát triển một cách bình thường, độ ẩm của môi trường cũng là một yếu tố rất quan trọng. Độ ẩm lý tưởng để phôi phát triển là từ 55 - 65%. Khi gà bắt đầu khẻ mỏ thì cần độ ẩm 80 - 85% là thích hợp nhất. Sở dĩ giai đoạn gà khẻ mỏ cần độ ẩm cao vì nếu độ ẩm thấp trứng sẽ bị sát vỏ, gà không khẻ mỏ được. Tuy nhiên, chỉ cần độ ẩm không quá thấp trong khoảng 55 - 65% thì vẫn đảm bảo được trứng không bị khô. (Xem thêm)
  • Oxy: trứng gà cũng như các loại trứng khác đều có vỏ với cấu tạo đặc biệt giúp phôi bên trong có thể hô hấp được. Do vậy, trong quá trình ấp trứng gà, các bạn cần chú ý cung cấp đủ Oxy cho phôi phát triển. Do đó, trứng trong quá trình ấp phải để thoáng khí. 

Nếu các bạn đảm bảo được 3 yếu tố trên thì khi ấp trứng gà sẽ có tỉ lệ nở rất cao. Nếu một trong các yếu tố trên không được đảm bảo thì tỉ lệ nở sẽ rất thấp thậm chí là hỏng toàn bộ.

Kỹ thuật ấp trứng gà tự nhiên

Ấp trứng gà thủ tự nhiên là cách ấp trứng gà bằng việc cho gà mái ấp tứng. Phương pháp này là phương pháp được sử dụng khá nhiều ở các hộ gia đình trước đây vì không tốn chi phí đầu tư mà nếu gà ấp tốt tỉ lệ nở cũng tương đối cao. Kỹ thuật ấp tứng gà bằng phương pháp tự nhiên bà con cần chú ý những điểm sau:

  • Chọn thời gian ấp: thời gian ấp trứng thường có 2 vụ vào mùa xuân (tháng 2, 3, 4 dương lịch) và mua thu (tháng 8, 9 dương lịch). Vì thời điểm các tháng mùa xuân và mùa thu thời tiết khá dễ chịu, mát mẻ nên chọn thời gian này để ấp sẽ có tỉ lệ nở tốt, gà con nở phát triển khỏe mạnh, dễ nuôi. Còn nếu bạn đảm bảo được điều kiện nuôi tốt thì có thể ấp quanh năm cũng không sao.
  • Chọn mái ấp: chọn mái ấp cần chú ý chọn gà có đặc điểm như gà đã đẻ hết lứa trứng, chân thấp, lông tơ nhiều, đầu nhỏ và trọng lượng vừa phải không quá to cũng không quá bé. Ngoài ra, cần chọn gà mái ấp có tính đòi ấp mạnh, tính ôn hòa, không bệnh tật, không có ghẻ mạt.
  • Chọn trứng ấp: chọn trứng ấp cần căn cứ vào khối lượng của quả trứng. Nên chọn trứng có khối lượng tiêu chuẩn cho từng loại gà và trứng cân đối không tròn quá, không dài quá, không to quá, không nhỏ quả. Khối lượng của trứng để ấp tốt nhất với trứng gà Tam Hoàng 50-52g, trứng gà ri là 41-43g, trứng gà Tre 20-22g, trứng gà Mía 55-60g, trứng gà Đông Tảo 52-62g, trứng gà Tàu vàng 45-50g, trứng gà Hồ 50-53g, trứng gà Chọi 50-55g, . Vỏ trứng sạch, không rạn vỡ, buồng không khí (ở đầu to quả trứng) nhỏ, không có vệt máu hoặc dị vật ở trong. 
  • Làm ổ ấp: ổ ấp cho gà thường được làm bằng rơm là phù hợp nhất. Ngoài ra, để tránh gà bị ký sinh trùng như ghẻ, mạt nên lót ổ bằng là mần tưới hoặc lá xoan.
  • Chăm sóc gà mái ấp: trong quá trình gà ấp nên cho gà ăn các loại thức ăn giàu năng lượng nhưng thời gian tiêu hóa chậm như các loại ngũ cốc. Cũng cần cho gà ăn thêm rau xanh để sung vitamin tránh gà bị bệnh do thiếu dinh dưỡng. Nếu gà mải ấp thì cần bắt gà xuống để cho ăn và tắm cát để trừ ghẻ mạt.
  • Soi trứng: trong quá trình ấp, các bạn cần soi trứng để loại những trứng bị hỏng, chết phôi. Thường soi trứng sẽ chia làm 2 đợt, một đợt vào ngày thứ 7 và một đợt vào ngày 18. Nếu trứng bị hỏng, chết phôi thì loại ra và dồn các trứng khác lại để ấp tiếp. (xem thêm)

Ấp trứng gà bằng phương pháp tự nhiên thường có ưu điểm là chi phí thấp nhưng nhược điểm là tỉ lệ nở không cao và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Vì thế nên phương pháp này hiện ít được các cơ sở chăn nuôi sử dụng. (Xem thêm)

Kỹ thuật ấp trứng gà bằng bóng đèn

Ấp trứng gà bằng bóng đèn hay còn được nhiều người gọi là ấp trứng gà thủ công. Phương pháp này khá đơn giản và ai cũng làm được tuy nhiên không mấy người đạt được tỉ lệ nở cao ngay trong lần đầu làm. Nguyên lý của kỹ thuật ấp trứng gà thủ công là tạo môi trường thích hợp để phôi phát triển như nhiệt độ ở mức 37,5 - 37,8 độ C, độ ẩm 55 - 65%. Để tăng nhiệt độ ấp lên mức cần thiết chúng ta sẽ dùng bóng đèn sợi đốt thông thường công suất khoảng 25 - 60W, một thùng xốp để làm buồng ấp, vỏ trấu để trứng không bị lăn, khay nước để tạo độ ẩm và quan trọng nhất là nhiệt kế và ẩm kế để đo nhiệt độ độ ẩm trong thùng xốp.

Kỹ thuật ấp trứng gà bằng bóng đèn khá đơn giản, các bạn rải trấu, cho khay nước, nhiệt kế, ẩm kế, bóng đèn (đã đấu điện) vào trong thùng xốp rồi cắm điện và đóng nắp thùng lại. Đợi cho nhiệt độ trong thùng xốp ổn định thì kiểm ra nhiệt kế và ẩm kế:

  • Nếu độ ẩm thấp dưới mức 55 - 65% thì dùng khay nước có mặt thoáng lớn hơn và ngược lại để đảm bảo độ ẩm duy trì trong khoảng 55 - 65% là tốt nhất. Độ ẩm có thể chênh lệch lên xuống khoảng 10% cũng không vấn đề gì.
  • Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ trong thùng xốp. Nên đo từ vị trí xa bóng đèn nhất đến vị trí gần. Khu vực nào đạt được nhiệt độ 37,5 - 37,8 độ C thì đánh dấu lại vì đó là khu vực đặt trứng để ấp. Nếu nhiệt độ cao quá cso thể chọc một vài lỗ ở bên thành của thùng xốp để nhiệt độ giảm bớt. Nếu nhiệt độ thấp quá thì nên đổi bóng đèn có công suất cao hơn một chút.

Sau khi các yếu tố về độ ẩm cũng như nhiệt độ đã được đảm bảo, các bạn đặt trứng cần ấp vào khu vực có nhiệt độ thích hợp đã đo được lúc trước. Khi ấp, các bạn chú ý đảo trứng 2 - 4 giờ/lần để tránh phôi bị dính vỏ và bổ sung nước trong khay thường xuyên không được để khay bị cạn nước. Ưu điểm của kiểu ấp trứng gà này là chi phí thấp, dễ làm, tỉ lệ nở khá cao. Còn về nhược điểm thì do buồng ấp tự chế nên sẽ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc tỉ lệ nở không ổn định. (Xem thêm)

Kỹ thuật ấp trứng gà bằng máy ấp trứng tự động

Ngoài cách ấp trứng gà bằng phương pháp ấp tự nhiên và ấp thủ công thì các bạn cũng có thể dùng máy ấp trứng tự động để ấp sẽ nhàn hơn khá nhiều. Điểm đặc biệt của máy ấp trứng gà tự động là các quy trình ấp gần như đều được tự động hóa hoàn toàn. Các bạn chỉ cần chú ý bổ sung nước vào khay nước để tạo độ ẩm, còn lại máy sẽ tự động điều chỉnh các thông số khác từ nhiệt độ, độ ẩm cho đến đảo trứng tự động. 

Tùy vào từng hãng sản xuất và từng loại máy mà kỹ thuật ấp trứng gà bằng máy ấp trứng tự động sẽ có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên, chỉ cần các bạn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì sẽ đảm bảo được tỉ lệ nở khá cao từ 85 - 95%. Ưu điểm của phương pháp ấp bằng máy ấp tự động là người dùng sẽ khá rảnh tay và ít phải kiểm tra hơn khi ấp. Nhược điểm của cách ấp này là chi phí mua máy sẽ khá cao. (Xem thêm)

Với kỹ thuật ấp trứng gà vừa nêu trên, hi vọng các bạn đã hiểu hơn về các phương pháp ấp trứng gà phổ biến hiện nay và có thể tự chọn cho mình một phương pháp ấp phù hợp nhất. Chúc các bạn chăn nuôi thành công!


Bài viết liên quan: