Tương truyền rằng, mẹ vua Tự Đức được chữa khỏi bệnh mù lòa bằng củ sâm Nam núi Dành. Từ đó, củ sâm Nam trở thành sản vật tiến vua. Sâm Nam núi Dành được coi như “sâm tiên”, người đời săn tìm ráo riết. Một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng. Chính vì thế, sâm Nam núi Dành dần biến mất, thông tin về loại thần dược tiến vua này ngày càng một phai nhạt. Ký ức và câu chuyện ly kỳ về khả năng chữa bệnh của thứ thảo dược quý hiếm này từ chỉ còn trong truyền thuyết.
Củ sâm nam 6 năm tuổi
Bảo tồn củ sâm Nam núi Dành
Ít ai biết rằng, tại chân núi Dành, vẫn còn một vài gia đình gìn giữ và bảo tồn được giống sâm quý hiếm này. Một trong số đó là gia đình ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên.
Dẫn chúng tôi ra vườn sâm, ông Đăng chỉ tay vào gốc sâm tổ có tuổi đời gần 70 năm, ông nói gốc sâm này là do bà ngoại cùng mẹ ông lên núi Dành đào mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, khi đó cây nhỏ không bán được thì mẹ lại mang về trồng tại vườn nhà.
Từ đó, ông cùng các anh em trong nhà được bố mẹ nhắc đến cây sâm quý, khi có trẻ con nóng sốt hay bị nhiệt thì đào củ sâm lên sao uống cho mát, bệnh sẽ dần khỏi mà không cần dùng thuốc. Hàng xóm xung quanh cũng thỉnh thoảng sang xin, bố mẹ ông lại đào cho.
Đến năm 2008, tình cờ đọc một bài báo với tựa đề "Củ sâm Nam từng tiến vua tái xuất ở vùng đất thiêng" có hình ảnh về loại sâm của nhà ông nhưng bên cạnh lại là một người khác nên ông liên hệ trực tiếp với tác giả bài báo để đính chính thông tin, trình bày về gốc sâm tổ lâu đời tại vườn nhà mình và mời tác giả trực tiếp về tham quan, tìm hiểu. Từ đây, cây sâm Nam quý hiếm được nhiều người biết đến.
Cũng từ đó, ông Thân Hải Đăng cùng mọi người trong gia đình tìm cách nhân giống và bảo tồn cây sâm quý hiếm này. Cách nhân giống sâm cũng đơn giản, chỉ cần lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian nhánh cây mọc rễ thì cắt ra đem xuống trồng bình thường, cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con.
Ông cho biết, sâm núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm, chăm sóc khá đơn giản. Củ ở những cây sâm 1 - 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành, ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng và sử dụng được.
Dùng tay bới nắm đất để lộ một phần củ sâm, ông Đăng chia sẻ: "Củ sâm Nam có phần vỏ ngoài màu vàng nhạt, phần ruột có vị ngọt thanh mát, thơm dịu. Tuổi thọ của sâm sẽ quyết định sắc vàng của nó, sâm càng già tuổi thì độ vàng óng càng cao". Ban đầu, gia đình chỉ có 10m2 ở góc vườn để trồng sâm nhưng hiện nay đã nhân rộng gần 1 mẫu.
Ông Đăng bên gốc sâm tổ của gia đình
Hiện, sâm tươi ông bán ra thị trường với giá 2 triệu/kg và được nhiều người biết đến loại sâm quý hiếm này. Từ đầu năm đến nay, ông đã bán được hơn 30kg sâm tươi, đem lại thu nhập trên 60 triệu đồng. Sâm tươi không bảo quản được lâu nên ông Đăng cũng sấy khô sâm bằng máy sấy lạnh giúp bảo quản lâu hơn mà vẫn giữ được các chất quý trong sâm.
Sâm tươi có thể sử dụng để ngâm rượu hoặc đun nước uống đều rất tốt cho cơ thể. Ngoài diện tích trồng sâm thì hiện gia đình ông còn hơn 4 ha rừng trồng bạch đàn và keo, 1ha vườn trồng gần 100 gốc bưởi, 2 ao cá cho thu về gần 8 tấn cá/ năm, duy trì nuôi từ 30 - 40 con lợn/lứa, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Được biết, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu, đánh gia, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" do Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao chủ trì.
Theo đó, sự phân bố của sâm Nam núi Dành rất hẹp chỉ có ở núi Dành với diện tích khoảng 110m2. Qua phân tích đánh giá định tính một số nhóm chất chính trong mẫu sâm cho thấy nó có chứa các nhóm chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid, chất lượng của sâm phụ thuộc vào độ tuổi của sâm.
Theo nghiên cứu, hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, đề tài còn tiến hành nghiên cứu các biện pháp nhân giống cây theo phương pháp nhân giống in vitro và nhân giống in vivo đã nhân rộng được vườn sâm Nam núi Dành với diện tích 2.800m2.