Quảng Ngãi ra quân diệt chuột cứu lúa


Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 7.3, toàn tỉnh có hơn 2.424ha lúa bị chuột gây hại, tập trung nhiều nhất ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa... làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa vụ đông xuân.

Nhiều diện tích bị thiệt hại

Tổng diện tích lúa vụ đông xuân 2016 - 2017 là 38.898ha, trong đó diện tích gieo sạ trà sớm 3.326ha, trà chính vụ hơn 31.240ha và trà muộn khoảng 4.330ha. Hiện nay, trà chính đang vào giai đoạn sinh trưởng làm đòng. Trên nhiều cánh đồng, nông dân dùng bạt quây xung quanh, giăng cờ khắp ruộng để xua đuổi chuột. “Dù đầu vụ, chúng tôi đã dùng bã sinh học diệt chuột, quây bạt... nhưng chuột cũng cắn phá từ khi lúa còn non. Năm nay, chuột lại nhiều hơn năm trước”, ông Nguyễn Ái ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho hay.

Tại xã Hành Đức (Nghĩa Hành), tình trạng chuột gây hại cho cây lúa diễn ra rộng khắp trên các thôn, trong đó nhiều nhất là thôn Kỳ Thọ Nam 1, Kỳ Thọ Nam 2 và thôn Xuân Vinh. Ông Nguyễn Sĩ Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức cho biết, vụ đông xuân 2016 - 2017, địa phương gieo sạ hơn 350ha, do bị ngập úng nên 15ha bị hư hại hoàn toàn, người dân đã nỗ lực khắc phục gieo sạ lại một phần diện tích. Đến nay, chuột lại tiếp tục gây hại.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, 100ha lúa trên toàn huyện bị chuột gây hại, nặng nhất là xã Hành Thịnh 20ha, Hành Thiện 15ha, Hành Phước 10ha, các xã còn lại từ 5- 7ha. Đối với huyện Bình Sơn, chuột cắn phá 340ha lúa, mức độ nặng nhất là 40ha.

Ra quân diệt chuột

“Có mưa, có lụt, nhưng nước không vô cánh đồng. Năm nay gieo sạ muộn, cận tết, thời tiết nắng lạnh thất thường là điều kiện để chuột sinh sôi, phát triển. Chuột còn cắn rách bạt quây, vào cắn phá lúa”, ông Nguyễn Ái ở thôn Tân Mỹ nói. Còn theo ông Nguyễn Văn Do- Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thì vụ lúa đông xuân này bị chuột gây hại nhiều là do năm qua lụt diễn ra cục bộ. Bên cạnh đó, người dân trồng cây công nghiệp xen kẽ làm nơi cho chuột trú ngụ. Người dân không ra quân diệt chuột như các năm trước.

quảng ngãi ra quân diệt chuột

Nông dân ra đồng diệt chuột cứu lúa. ảnh: Võ Minh Huy

Nhằm giảm thiểu tác hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ năng suất cây trồng, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân, đối với giai đoạn lúa đang làm đòng - trổ bông thì biện pháp thủ công đào bắt chuột là hiệu quả nhất. Ở những nơi gò cao không có nước, tùy điều kiện cụ thể dùng biện pháp đào bắt hoặc xông hơi bằng xăng, đất đèn; dùng các loại bẫy cặp, bẫy lồng sập, bẫy dính...

Người dân cần thường xuyên phát quang bờ bụi rậm, gò đồng... làm mất nơi cư trú của chuột. Dùng bả sinh học diệt chuột hoặc Biorat đặt ở những nơi chuột thường xuyên qua lại với liều dùng 5kg/ha, khoảng 5 - 7m đặt một mô bả, mỗi mô bả khoảng 5 - 10gram. Khi chuột gây hại nhiều, có thể dùng biện pháp hóa học như một trong các loại thuốc QT92, Fokeba, Zinphos... chú ý tuân thủ nghiêm ngặt quy định sử dụng an toàn, thông báo rộng rãi trong khu dân cư, tổ chức thu gom mồi thừa, xác chuột chôn cẩn thận... Chi cục khuyến cáo tuyệt đối không dùng điện để bẫy chuột, vì nguy hiểm đến tính mạng con người.

Ông Nguyễn Quang Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, việc tổ chức tuần lễ diệt chuột trong thời điểm này là hết sức cần thiết để giảm bớt nạn chuột cắn phá trên đồng ruộng. “Phương châm của địa phương là người người diệt chuột, nhà nhà diệt chuột. Diệt chuột từ trong nhà ra ngoài đồng. Huyện cũng đã chủ trương cho các xã, thị trấn trích nguồn ngân sách mua thuốc diệt chuột hỗ trợ cho nông dân, đồng thời tăng cường việc thu mua đuôi chuột để động viên bà con nông dân diệt chuột hiệu quả...".

Hiện nay, UBND tỉnh đang phát động “Tuần lễ ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng từ ngày 6 - 12.3 trên toàn tỉnh”.

Bài viết liên quan

Trồng lúa không lãi người dân chuyển đổi sử dụng đất nhưng không được

Tin tức nông nghiệp

Máy móc nông nghiệp


Bài viết liên quan: