Trồng măng tây xanh cho thu hoạch gấp 10 lần trồng ngô


Nhờ trồng thành công măng tây xanh hay còn gọi là cây rau vua trên vùng đất màu ven sông Hồng, nhiều hộ nông dân xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trồng măng tây xanh cho thu hoạch gấp 10 lần trồng ngô

Thu nhập gấp 10 lần trồng ngô

Đến cánh đồng thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng thu hoạch cây rau vua của bà con nông dân nơi đây. Anh nông dân trẻ Đồng Văn Quang vừa làm, vừa vui vẻ trò chuyện: “Măng tây xanh bắt đầu cho thu hoạch rộ từ giữa tháng 5 đến tháng 11 dương lịch. Sản phẩm thu hoạch là những thân cây non mỡ màng. Trồng măng tây xanh thích nhất là có “tiền tươi” hơn mỗi ngày”.

Trồng măng tây xanh cho thu hoạch gấp 10 lần trồng ngô

Với 2 sào trồng măng tây xanh, gia đình anh Đồng Văn Quang có thu nhập đều hơn 500.000 đồng/ngày. Ảnh: Đ.T

Theo anh Quang, măng tây xanh có thể thu hoạch ròng cả tháng, cả năm, nhưng anh chỉ thu hoạch khoảng 25 ngày/tháng, 6 tháng/năm, còn lại để cây “hồi sức”. Bấm ngón tay, anh Quang nhẩm tính, trung bình, mỗi sào măng tây xanh thu được 5 tạ, với giá bình quân 100.000 đồng/kg, tính ra người trồng thu về hơn 50 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 10 lần so với trồng ngô hay rau màu khác.

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Tạ Đình Căn – Nguyên Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái cho biết: Năm 2013, huyện tổ chức cho cán bộ xã Hồng Thái đi tham quan, học tập mô hình trồng măng tây xanh ở Nghệ An. Nhận thấy đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, Đảng ủy, UBND xã Hồng Thái đã giao cho Hội ND xây dựng mô hình trồng măng tây xanh với diện tích 10.800m2 trên đất màu ven sông Hồng để làm tiền đề cho kế hoạch phát triển 50ha rau sạch của xã sau này.

Theo ông Căn, thời điểm đó, cây măng tây xanh còn khá mới mẻ với người dân. Vốn chỉ quen với cây ngô, lạc… nên dù được hỗ trợ vốn, nhưng nhiều ND vẫn băn khoăn về hiệu quả kinh tế, nhất là vấn đề đầu ra của măng tây xanh. Với tư cách là Chủ tịch Hội ND, gia đình ông Căn tiên phong trồng thí điểm 2 sào để bà con thấy lợi nhuận làm theo. Hiện trên tổng diện tích khu trang trại rộng 5ha ở thôn Duyên Trang, ông Căn đã quy hoạch 6 sào để trồng măng tây xanh.

Thành triệu phú nhờ măng tây

Chị Phan Thị Điệu được mệnh danh là “người đàn bà thép” ở xã Hồng Thái khi dám liều mình đầu tư trồng thử nghiệm hẳn 20 sào măng tây xanh. Chị Điệu thổ lộ: “Thời gian đầu trồng măng tây xanh, tôi cũng gặp phải vô vàn khó khăn như mua giống với giá cao (15.500 đồng/cây giống) nhưng vẫn chưa được giống “chuẩn”, thời tiết không ủng hộ. Bên cạnh đó, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn hạn chế nên cây hay bị mắc các bệnh như là khô vằn, nấm… làm cây bị héo, nhũn đầu măng, thậm chí làm chết cây. Gia đình gần như không có lợi nhuận, tôi cũng lung lay lắm”.

Tuy nhiên, qua thực tế canh tác chị Điệu đã tự rút ra được những kinh nghiệm chăm sóc măng cho riêng mình, chỉ sau 8 tháng mô hình măng tây xanh của chị đã cho những đồng lợi nhuận đầu tiên. Chị Điệu mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên hơn 2ha. Năm 2016, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị Điệu thu lãi hơn 200 triệu đồng từ cây măng tây xanh.

Theo chị Điệu, kỹ thuật trồng măng tây xanh không quá phức tạp. Sau khi ươm giống cây trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra trồng. Trước khi trồng, cần phải lên luống cao khoảng 30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục, mỗi hốc trồng 1 cây. Khoảng cách hàng cách hàng 80cm, cây cách cây 40cm. Măng tây xanh có thân mỏng manh, nên khi cây cao 40 cm cần phải cắm cọc để tránh cây bị đổ ngã.

măng tây xanh

Cây măng tây

“Khác với các loài rau màu khác, măng tây xanh rất ít bệnh tật và không ưa dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bệnh chủ yếu là nấm mốc, người trồng chỉ cần rắc vôi bột cho cây. Sản phẩm thu hoạch là những thân cây măng tây xanh non mỡ màng nên việc phòng, trị các các loại sâu đất, sâu xanh, rệp, côn trùng cắn hại cây rất quan trọng”- chị Điệu cho hay.  Theo các hộ trồng măng tây xanh xã Hồng Thái, do thu hoạch măng tây xanh hàng ngày, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cả người trồng, nông dân Hồng Thái hay dùng các chế phẩm sinh học như tỏi, ớt pha loãng với nước để phòng trừ sâu bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT) cho biết, Hà Nội hiện có hơn 6ha măng tây xanh, được trồng chủ yếu tại 2 huyện Phú Xuyên và Phúc Thọ. Dù đã được trồng tại Hà Nội 4 - 5 năm trước, nhưng loại cây trồng này vẫn được Sở NNPTNT là giống cây mới. 

Người trồng măng tây ở Hà Nội đang tiêu thụ tốt và được giá cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo nông dân không tùy tiện mở rộng diện tích, nhất là khi chưa được thành phố định hướng quy hoạch và dự báo thị trường”.

Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội)


Bài viết liên quan: