Phòng ngừa dịch bệnh ở gà tại Bắc Giang


Thời điểm đầu hè có nhiều nắng ấm, mưa nhiều, độ ẩm cao nên dịch bệnh phát triển rất tốt. Để chủ động trong công tác phòng tránh dịch bệnh, người dân, cơ quan chức năng, chính quyền các huyện, TP trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm A (H7N9).

Mỗi người dân là một thú y viên

Gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (huyện Yên Thế) nuôi hơn 1.000 con gà sinh sản; trung bình xuất bán 3.000 con giống/tuần. Mỗi năm, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng từ bán gà giống. Sản xuất con giống sạch bệnh rất quan trọng, vì thế định kỳ anh rắc vôi bột khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi; giữ máng ăn, nước uống sạch sẽ. Đặc biệt anh phải vệ sinh máy ấp trứng sạch sẽ sau mỗi lần ấp để cho con giống khỏe mạnh sau khi nở.

Anh Mạnh chia sẻ: “Bình thường 2 tuần tôi mới phun thuốc khử trùng một lần nhưng dịp này thời tiết ẩm ướt nên một tuần phun 2 lần dung dịch Iodine”.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Truyền ở thôn Làng Dưới, xã Xuân Lương (Yên Thế) thường nuôi hơn 1.000 con gà thương phẩm/lứa. Đến nay, đàn gà 25 ngày tuổi được anh tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh như cúm gia cầm, Newcatson; bổ sung khoáng chất tăng sức đề kháng. Do vậy, đàn gà khỏe mạnh, mập mạp. 

Huyện Yên Thế có tổng đàn gà lớn nhất tỉnh với hơn 3 triệu con. Nếu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ thiệt hại nặng về kinh tế. Nhận thức được điều này và coi chăn nuôi gà là nghề thu nhập chính nên người dân nơi đây thường xuyên có ý thức phòng dịch. 

Kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại huyện Yên Thế vừa qua, ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang đánh giá: “Người nuôi gà của huyện rất chủ động phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm, không có tâm lý trông chờ vào Nhà nước. Mỗi người dân như một thú y viên, nắm bắt đầy đủ quy trình và đã thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, nguồn giống hầu hết chủ động tại chỗ, có nguồn gốc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp huyện tạo lá chắn an toàn, bảo vệ tốt đàn gia cầm”.

Được biết, để hỗ trợ bà con tiêu thụ gà thuận lợi, Trạm Thú y huyện Yên Thế cử cán bộ trực, kiểm dịch kịp thời cho sản phẩm lưu thông. UBND huyện vừa trích hơn 100 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ 1 tấn hóa chất Iodine cho các xã phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Số hóa chất này được phun tại chuồng trại và khử trùng dụng cụ chăn nuôi. Các xã trong huyện đã rắc hơn 2 tấn vôi bột ở một số điểm công cộng; nông dân tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.  

Phòng ngừa đồng bộ

Người dân các huyện có đàn gia cầm lớn như Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng cũng đang khẩn trương phòng dịch. Hộ anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) thường xuyên phun chế phẩm sinh học cho chuồng trại. Người ra vào khu chăn nuôi phải mặc bảo hộ lao động và đi qua lớp vôi bột, dung dịch Iodine.

Tại huyện Lạng Giang (địa bàn giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn) đã có 11/24 xã, thị trấn thực hiện tháng tiêu độc khử trùng; rắc vôi bột tại nơi công cộng và điểm trung chuyển, buôn bán gia cầm. UBND huyện dự trù kinh phí mua hơn 3 tấn hóa chất. 

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng cúm H7N9 trên đàn gia cầm, thủy cầm. Hiện nay, qua xét nghiệm sinh thiết các mẫu gia cầm trong cả nước chưa có vi rút H7N9. Do vậy phải tiếp tục siết chặt công tác quản lý, phòng ngừa đồng bộ từ khâu lựa chọn con giống, chăm sóc cho đến lưu thông, hạn chế thấp nhất nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn. Giải pháp quan trọng hàng đầu là kiểm soát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển gia cầm, trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn tỉnh. 

Từ đầu tháng 3 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 3 vụ vận chuyển hàng nghìn con chim bồ câu, gà giống, vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc theo quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Vôi (Lạng Giang). Ông Vũ Quốc Hùng, Phó trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động Phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang cho biết: “Các đối tượng vận chuyển mặt hàng này rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn bề ngoài sẽ không phát hiện được. Vì vậy,  đội trinh sát của công an kiên trì theo dõi, thời điểm thuận lợi sẽ "cất lưới”.

Bài viết liên quan:

Dịch cúm A/H5N6

Chăn nuôi gà lôi


Bài viết liên quan: